Cuốn sách này có thể xem là một tiểu hồi ký của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng vào bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam như bộ ba đồ sộ Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Tiếng Người Trong Văn (Hồi Ức Văn Chương)

Cuốn sách này có thể xem là một tiểu hồi ký của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng vào bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam như bộ ba đồ sộ Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa; tiểu thuyết Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo. Trong sách ẩn chứa những gì mà lúc sinh thời, từ chục năm trở lại đây, nhà văn đã chỉ cười hiền im lặng trước lời gặng in từ nhà xuất bản thân thuộc?

Ở Tiếng người trong văn, những câu chuyện được kể không còn chỉ là chuyện của những người thân, người bạn văn mà còn là câu chuyện cuộc đời của chính tác giả. Ấy là chuyện thời thơ ấu, ký ức về người mẹ thân yêu và những người thân thiết có ảnh hưởng rất lớn tới đời văn của tác giả. Ấy là kỉ niệm với những đồng nghiệp tên tuổi như Tô Hoài, Vũ Bằng, Trần Dần, Lê Bầu, Dương Tường, Châu Diê mà giờ đây phần lớn họ đã là người thiên cổ. Những câu chuyện lần đầu được kể, như chuyện cuốn sách đầu tiên (tiểu thuyết Rạng đông) đã bị thất lạc, khó có thể là cuốn “độc đáo” nhưng kỉ niệm về nó “tươi roi rói”, chuyện cuốn Làng nghèo viết ở Trại sáng tác Thanh Liệt cũng chỉ “trung bình thôi”, giờ không nên in. Và nhất là “chuyến phiêu lưu” li kỳ của bản thảo Trư cuồng, mà sau này có người cho rằng để xuất bản được cũng thật là một kỳ tí Qua những lát cắt đó, với quãng thời gian từ lúc tác giả Nguyễn Xuân Khánh chỉ mới là thiếu niên vô tư và nhiệt huyết, yêu thi ca và cách mạng, đến lúc thành lão nhà văn ở đầu thế ký 21, người đọc sẽ nhận ra chuyện riêng mà cũng là chuyện chung của cả đất nước trong một thời đoạn lịch sử trải từ chiến tranh vắt qua Đổi mới. Những éo le thời cuộc, những gian khổ nghề cầm bút, những trăn trở làm người và xây đời… của một trí thức đích thực, của một nhà văn lớn được chia sẻ giản dị, gọi đúng tên trong cuốn sách này. Một con người, cả đời mang “tấm lòng trong” và trí tuệ sáng, làm ngời lên “Tiếng người trong văn”.

Đời văn Nguyễn Xuân Khánh không hề đơn giản, nên để ông tự nói lên được những điều sâu kín đó không phải dễ dàng. Đến tận bây giờ, sau khi khởi bút trên dưới chục năm, từ những bài viết lẻ cấu trúc lại, cuốn sách này mới có cơ hội ra mắt bạn đọc. Những điều “nhạy cảm” được kể lại chân thực nhất, với giọng kể của một người văn đã trải hơn nửa thế kỷ say mê viết lách, phải trả giá bằng máu và nước mắt của mình cho tác phẩm.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu cuốn sách này tới bạn đọc, với lòng tri ân sâu nặng cố nhà văn đã tin tưởng giao phó tác phẩm của mình thủy chung với một nhà xuất bản duy nhất. Các tác phẩm lớn của Nguyễn Xuân Khánh đã đồng hành cùng Nhà xuất bản trong mấy chục năm qua, với bao vinh quang cay đắng. Đến nay, bộ ba tiểu thuyết đồ sộ của ông vẫn đều đặn tái bản, được bạn đọc yêu thích và trân trọng, khẳng định sức sống trường tồn của những tác phẩm văn chương đích thực, sự đồng vọng nhiều thế hệ với các trước tác đó, trong bước đường gìn giữ và tôn tạo những giá trị nhân văn vĩ đại. Tiếng người trong văn có thể xem là cái nhìn ngoái lại lần cuối của cố nhà văn, và gửi một nụ cười đôn hậu để ông thanh thản trở về cõi người hiền thênh thang mây trắng.

Cùng xuất bản: Nguyễn Xuân Khánh – Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi (Chân dung và tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh dưới mắt bạn bè và các nhà nghiên cứu văn học đương thời)

Tác giả: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021)

Ông sinh tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973.

Tác phẩm chính:
- Rừng sâu (tập truyện ngắn, 1963)
- Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, 1990)
- Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 2000)
- Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (tập truyện ngắn, 2002)
- Mưa quê (tập truyện ngắn, 2003)
- Mẫu Thượng ngàn (tiểu thuyết, 2005)
- Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết, 2011)
- Chuyện ngõ nghèo (tiểu thuyết, 2016)
- “Rừng sâu” và những truyện ngắn khác (tập truyện ngắn, 2020)
Ngoài ra ông còn là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng.


Giải thưởng
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2017.
- Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội, 2018.
- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng Thăng Long của UBND TP, Hà Nội 2002 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn.

Một số trích đoạn hay:

“Thời xưa, khi người đàn bà góa chồng, là lập tức bên nhà chồng người ta ùa ngay vào xâu xé, chèn ép. Người ta viện ra bao nhiêu cớ để đàn áp người đàn bà. Chị ta mới ba mươi tuổi. Đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, liệu có đứng vững nổi không, hay là dăm năm nữa thôi cỏ mộ chồng chưa xanh đã lăm le đi bước nữa. Phải sít sao theo dõi chị ta. Cần thì bắt ngay thằng bé về, không chừng mất cả của, mất cả người với chị ta. Rồi văn tự đất nhà ai giữ, cái ấy cũng phải để mắt. Nó lú nhưng chú nó khôn. Gia đình nhà chị ta cũng khối tay thầy dùi nhiều mưu mẹo.

Mẹ tôi bị bên nội o ép. Về sau khi lớn lên tôi biết rõ mọi việc. Còn dạo ấy, tuy tôi mới lên sáu nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn khổ lo âu của mẹ. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ được cái đêm trước ngày mẹ tôi mang tôi ra Kẻ Chợ. Đêm ấy, mẹ tôi bày hoa quả trên cái mâm đồng, rồi đặt cái mâm lên cao, trên đầu tường hoa, trên cái bể. Cái đèn dầu hỏa cháy liu diu. Ba nén hương cắm vào bát gạo lập lòe tỏa khói. Còn mẹ tôi xõa tóc, cầm con dao phay múa trước mâm cúng. Mẹ tôi lẩm bẩm cầu khấn gì, tôi không biết được. Nhưng chắc chắn cái đêm người đàn bà cô đơn trước khi dấn thân vào đời để một mình nuôi đứa con côi cút, mẹ tôi đã nuốt nước mắt vào trong tâm khảm. Chắc chắn bà biết đời mình từ bấy giờ sẽ vô cùng khó khăn. Và bà đã hạ quyết tâm mình sẽ nuôi nấng cho bằng được để đứa con khôn lớn thành người.

Hình ảnh người đàn bà cầm con dao múa trước mâm cúng nghi ngút khói hương đã nhiều lần ám ảnh giấc ngủ của tôi. Song, chưa lần nào tôi viết ra giấy. Tuy nhiên, cái tinh thần quyết tâm của bà thì đã thấm vào tâm hồn tôi rồi. Đời tôi lắm lúc chua cay thất bại, tôi thường nhớ đến cái mâm đồng trên đầu tường hoa và hình ảnh của mẹ tôi đêm ấy. Và tôi lại tự nhủ lòng. Không được nản chí. Không thể chịu thua. Nào hãy cố lên.”

(Trích Anh Thân)

“Nhờ có sự tiếp xúc ấy, hay là do một kích thích tưởng tượng nào đó mà chính vào thời gian ấy, một mơ ước thầm kín của tôi từ thời thơ ấu bỗng trỗi dậy. Đó là mơ ước viết văn. Thuở nhỏ, tôi là chú bé ham đọc sách. Tôi có thể suốt ngày chúi đầu vào cuốn sách và tôi cũng có thể hàng tiếng đồng hồ mơ màng tưởng tượng những chuyến phiêu diêu đâu đâu. Tôi đọc rất nhiều sách và tôi tưởng tượng. Lắm lúc tôi thấy những tưởng tượng của tôi cũng hay chẳng kém gì những điều người ta viết trong sách. Chỉ có điều, tôi chưa viết được những điều tưởng tượng của tôi ra giấy mà thôi.
Và chính lúc này, chính lúc tôi làm thầy giáo ở Trường Lục quân thì tôi bắt đầu viết văn.
Thật kỳ lạ. Lục quân là một trại lính, nhịp sống ở đây là tiếng kèn. Sáng thì kèn báo thức, rồi kèn thể dục, kèn đi ăn cơm, kèn từ lúc bắt đầu sinh hoạt một ngày cho đến lúc chui vào màn đi ngủ. Tôi thật không ngờ những hứng thú đi vào nghề văn của tôi lại bắt đầu từ một trại lính, từ một nơi mà hoạt động của con người nhất nhất tuân theo những điệu kèn.”

(Trích Trại sáng tác Thanh Liệt)

“Dạo ấy tôi dạy môn văn cho học sinh. Tôi dạy bài Trái tim Danko của Maksim Gorky. Danko trong bóng tối, đã móc trái tim mình ra làm ngọn đuốc. Trái tim cháy rừng rực đem ánh sáng cho đoàn người đi trong bóng đêm. Thật là một hình ảnh lãng mạn. Đám học trò của tôi rất thích. Họ vỗ tay rào rào. Hôm ấy anh Huệ trong ban cán sự của khoa đi theo dõi, đến dự lớp. Khi giảng tôi hay dùng phép liên tưởng. Tôi liên tưởng đến một câu nói của đức Phật trong Kinh Pháp Cú: “Được sinh ra làm người thật là một sự hi hữu. Chớ nên để lỡ mất cơ hội này”. Vậy, được sinh làm người thật là một hạnh phúc vô song ở thế gian này. Cho nên không thể sống phí sống hoài. Tức là ta phải sống thật đẹp trong thế gian. Tức là sống là trong sạch, là trí tuệ, là từ bi trong cõi đời khốn khổ này. Con người là một chúng sinh huyền bí có nhiều tiềm năng phi thường. Tiềm năng ấy ngủ ngầm trong mỗi con ngườ ”

(Trích Trại sáng tác Thanh Liệt)

“Thật quả, tôi viết sách này (Trư cuồng) với nhiều tâm huyết. Viết nó đã là một cố gắng, bởi vì như tôi đã nói hoàn cảnh của tôi lúc đó rất khó khăn. Ăn không đủ lại còn viết sách. Mà viết sách trong hoàn cảnh bị cấm đoán truy đuổi. Cuốn sách, hay hay dở còn tùy người đọc, nhưng chắc chắn nó mang đậm chất sống thực của tôi lúc ấy. Tôi vẫn tin mỗi cuốn sách ra đời đều mang dấu vết của cái thời mà nhà văn viết. Cuốn sách này, vẫn nội dung ấy, nếu viết ở thời gian khác, nó sẽ hoàn toàn khác. Thôi thì cuốn sách này, dù hay dù dở, nó vẫn ghi lại được cái hơi thở đặc biệt của tôi ở thời gian tôi sống. Tôi không muốn nói đến thứ phản ánh luận muốn phản ánh thời đại, tôi chỉ muốn nói đến, nói lên cái tâm lý, cái tâm thế của nhà văn ở thời gian ấy mà thôi. Một cuốn sách chỉ là một nỗi băn khoăn day dứt của nhà văn trước cuộc đời. Nó cũng là tiếng cười tiếng khóc của tác giả. Nếu nó gây xúc cảm cho người đọc thì đó là hạnh phúc của tác giả. Nếu nó tác động được lâu dài hơn thì đó là niềm mơ ước rất khó thực hiện…”

(Trích Những con người hào hiệp)

“Tôi viết gần hai năm 1981 - 1982 mới xong. Sở dĩ lâu như thế vì lúc này khá gay go về kinh tế, tôi còn bận kiếm ăn để nuôi mẹ già và bốn đứa con trai đang tuổi lớn. Tôi không muốn đứa con nào bị bỏ học.

Ở cơ quan, vì mắc tội về tư tưởng nên tôi không bao giờ được tăng lương và bị cấm viết báo viết sách. Cái sự cấm này làm tôi lắm lúc buồn phiền. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi chẳng thấy phiền lòng nữa. Vì tôi thấy đó là lẽ dĩ nhiên. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, nước nào chả thế, viết một cách tự do là điều cấm kỵ. Vậy nếu là điều bất khả kháng thì ta buồn phiền với nó làm gì.

Tuy nhiên, con người là một sinh vật tự do. Người ta cấm viết để sách không được in ra, chứ ai cấm khi sách không in. Viết để mà viết. Viết để biểu hiện cái mình nghĩ. Sự nghĩ thì chắc không ai cấm nổi. Tôi nghĩ, tức là tôi tồn tại. Chỉ có khi hết sự tồn tại mới hết sự nghĩ. Và khi đó mới thực sự hết sự viết. Vậy thì tôi sẽ viết. Viết để biểu hiện sự tồn tại. Viết không in, viết cho tôi xem, cho các bạn tôi xem. Chẳng ai có thể cấm tôi làm điều ấy. Cái tự do bên ngoài cũng quan trọng, nhưng cái tự do bên trong mới là điều quan trọng hơn. Viết không cần in có khi lại có cái hay. Bởi vì người viết không bị câu thúc. Hắn hoàn toàn tự bộc lộ lòng mình. Hắn hoàn toàn tự do.”

(Trích Những con người hào hiệp)

“Câu chuyện khiêng ghế đá ấy không hiểu sao đến tai anh Nguyễn Đình Thi. Có bận gặp chúng tôi anh bảo:
- Các cậu cũng có cái tốt, nhưng chuyện khiêng ghế đá ấy không ổn. Hành động tưởng như đùa nghịch ấy mang màu sắc như sự bế tắc. Tại sao lại bế tắc. Cuộc đời này chẳng thấy đẹp sao, chẳng đáng ngợi ca sao.

Tôi và Toàn chỉ im lặng và cười. Anh Thi vốn thế. Lúc nào anh cũng nhiệt tình, bừng bừng lửa cháy. Điều anh nhận xét là cái tốt ở chúng tôi. Đó là việc chúng tôi tán thành một luận điểm của anh. Khoảng đầu những năm 60, anh Thi nói:
- Tại sao các nhà văn lại cứ phải sống như các công chức, họ sống mòn mỏi đi vì cuộc đời bàn giấy tẻ ngắt. Các cậu còn rất trẻ. Các cậu phải khác đi chứ. Tại sao nhà văn không thể là những người lao động thực sự, kiếm sống bằng chính những giọt mồ hôi của mình. Hãy lăn vào cuộc sống, hãy vui buồn cùng cuộc sống. Hãy chắt lọc từ đó ra cái nhụy của cuộc đời. Chỉ từ cuộc sống thực, văn học mới có thể hay được. Dù cho văn học theo khuynh hướng hiện đại, thì gốc của nó cũng phải xuất phát từ hiện thực.”

(Trích Tiếng người)

“Tôi nhớ có đọc một đoạn hồi ký nào đó của Tô Hoài, nói việc ông mời Nguyễn Tuân và Kim Lân về cánh đồng làng xem bắt chuột, săn chuột. Ông nói cụ Tuân chỉ xem chứ không dám ăn thịt chuột.
Riêng tôi, tôi về Cổ Nhuế làng tôi, và đã đi săn chuột rất nhiều lần. Ở Noi, tôi có người hàng xóm là ông Phượng thợ mộc, rất giỏi làm bẫy bắt chuột và cả đi săn chuột cũng tài. Ông thợ mộc ấy đã dạy tôi làm bẫy và dạy tôi đi bắt chuột ngoài đồng. Bẫy của ông thợ mộc rất giản dị và cũng rất tài tình. Chúng tôi ra đồng, tìm đường chuột đi, tìm rất dễ. Ở ven bờ ruộng, chỗ nào là đường chuột chạy thì đất nhẵn thín. Chỉ cần đặt bẫy ở đó, lấy cỏ dại ngụy trang, chuột vô ý chạy qua là bẫy sập. Có đêm bắt được hàng chục con chuột đồng to bằng cổ chân béo ngậy. Làm lông, thui như thui chó. Sau đó luộc lên rồi đem ép như ép bánh chưng. Những thứ nước trong thịt chuột chảy đi hết, chuột sẽ không còn mùi hôi chuột nữa. Thịt chuột trắng phau, ăn ngon như thịt gà.

Vậy đấy, Tô Hoài bắt chuột ở cánh đồng hai làng. Tôi cũng bắt chuột ở đấy. Tô Hoài cũng đi theo ngõ Lên rồi đi trên con đường sòi ra cánh đồng hai làng. Tôi cũng được sống trong cái không khí ngoại ô Hà Nội, cái không khí nửa quê nửa tỉnh ấy thật hấp dẫn. Và Tô Hoài đã làm nên một nghiệp văn. Vậy tại sao tôi không cố gắng. Tôi cũng làm được nhà văn như ông chứ nhỉ. Ý nghĩ ấy động viên tôi rất nhiều khi sau này tôi bước vào con đường văn học.» (Trích Nhớ ông Tô Hoài)

«Một trong những kinh nghiệm viết văn của ông, một điểm trong những bếp núc văn học của ông, ông ghi nó ngay trên bút hiệu của ông, đó là: Nhớ sông Tô… Nhớ sông Tô, Tô Hoài muốn bảo chúng ta rằng, mỗi người viết văn phải có một vùng quê, một hậu trường, một sân sau để suốt đời người viết văn có thể đi về, có thể thuộc làu, có thể quan sát sự biến đổi của người cũng như cảnh vật. Cái sân sau của một nhà văn có thể là một ngôi làng, một miền đất, một xí nghiệp, một trường học, một khu phố. Có nhiều nhà văn xây dựng sự nghiệp của mình ở trên nền cái sân sau ấy. Tất cả các nhân vật, tất cả sách của họ đều rút ra từ cái sân sau ấy. Rút cả đời mà vẫn không hết.» (Trích Nhớ ông Tô Hoài)

“Đêm ấy, Trần Dần say. Rượu nói hay Dần nói không biết nữa. Hắn cần một người biết nghe, im lặng nghe, không xen vào nửa lời. Tức là hắn có thể độc thoại. Dần đang cần sự cãi nhau, sự tranh biện với chính bản thân anh. Dần hỏi lại tôi:
- Cậu không biết làm thơ hả? Đó là sự thiệt thòi cho cậu. Nhưng cũng là may cho cậu. Thơ như thế nào đây?
Suy nghĩ nhiều lúc cứ tưởng rằng chúng chống đối nhau quyết liệt và loại bỏ lẫn nhau.
Thế nào nhỉ? Tôi muốn thơ nhiều nghĩa mà lại mờ ảo. Tôi muốn một thứ thơ có một nghĩa rõ ràng và kèm theo là hàng nghìn nghĩa khác.
Tôi muốn thơ không có vần, rất tự do. Tự do nhưng lại có nhịp rất chắc. Không vần nhưng nhịp nhàng bên trong. Thứ nhịp nhàng tạo nên bởi những cái gì gồ ghề, khúc khuỷu, chối tai, nhức óc, nghĩa là xóc, nghĩa là nhiều cái xóc hợp thành cái êm, nghĩa là êm rất xóc.
Tôi thích thơ sáng nghĩa, lại thích cả thơ tối nghĩa. Thơ vừa là ngày vừa là đêm, vừa sáng vừa tối, vừa là tỉnh vừa là mơ. Nó là một nhưng cũng là tất cả.
Tôi muốn thơ lấy từ nhịp đập của trái tim dân tộc Việt Nam. Trong đề tài thời sự ấy, tôi sẽ đào, đào mãi cho tới khi gặp được trái tim nhân loại. Một hạt bụi là cả vũ trụ. Một khoảnh khắc là lịch sử của cả thế gian.
Lúc này tôi mới xen vào.
- Tức là anh muốn đám cưới. Đám cưới nhiều điều trái ngược.
Trần Dần không đi vào câu nói của tôi. Anh bảo:
- Người ta nói mình là thằng điên. Ừ thì mình điên, nhưng là người điên tỉnh táo.
Đêm hôm ấy, chúng tôi uống rượu đến hai, ba giờ sáng. Tôi quen anh Dần nhiều năm, đây là lần đầu tiên và lần độc nhất tôi thấy anh say.”
(Trích Vết cắt)
“Ở rừng một vài ngày thì vui, một tháng thì thấy nhớ, một năm thì thấy buồn, nỗi nhớ những cái gì thân quen xa xôi biến thành nỗi cô đơn héo ruột. Nỗi cô đơn thăm thẳm dài dằng dặc khiến người ta muốn thét lên. Ôi chao, thấy thèm khát một cái gì không tên.
Cho đến một hôm, đi vào rừng, bỗng dưng anh bắt gặp tiếng người. Lúc đó anh mới bất chợt nhận ra, cái mà anh thiếu, anh đang thèm khát đó là tiếng người.
Có hai chị em người thổ từ dưới chân núi Phia Khao đi vào khu rừng rậm ở lưng chừng núi. Họ tìm nơi đốt nương làm rẫy trồng bắp. Người con trai địa chất vội nấp vào sau tảng đá, để được nghe tiếng líu lo của hai người đàn bà kia. Anh phải nấp, vì sợ rằng có tiếng động mạnh thì tiếng cười, tiếng líu lo của hai người kia sẽ tan biến mất. Cũng không thể xuất hiện, vì xuất hiện giống như một cử chỉ hay một bóng hình bạo lực. Tiếng người, tiếng líu lo sẽ giống như con chim e ấp, sẽ vút lên trời bay đi mất.
Ôi! Tiếng người! Đó là tiếng thổ chứ không phải tiếng kinh, nhưng dù sao vẫn là tiếng của con người. Nó ríu rít, líu lo như tiếng chim hót, nhưng lại khác tiếng chim rừng mà anh vẫn nghe. Tại sao vậy? Bởi vì tiếng líu lo ấy mang chất người, nó ấm áp, nó gần gũi. Nghe tiếng ấy chẳng hiểu gì nhưng thực ra lại hiểu, bởi vì ta biết đó là giao cảm. Không ra tiếng của chị và em mà là tiếng của mẹ và con. Không hiểu sao anh lại nghĩ đó là tiếng mẹ và con. Phải chăng vì tiếng của mẹ và con có một ngữ điệu riêng, âm sắc riêng. Phải chăng vì người nào cũng có tuổi ấu thơ, ai ai cũng được người mẹ nâng niu, cho nên nghe tiếng ấy là nhận ra liền. Cái âm sắc của tiếng người đã nói với anh như vậy. Cái véo von giòn giã của tiếng người đã nói với anh như vậy. Chưa ai dạy cho anh điều đó, đến hôm nay anh mới hiểu hết cái ý nghĩa của tiếng người. Và giọt nước mắt nóng hổi chợt trào ra, lăn trên đôi gò má phong trần của người địa chất. Anh chậm rãi giơ bàn tay đầy chai của mình lên để lau khô giọt nước mắt cũng rất người của chính anh.”
(Trích Tiếng người)
“Vấn đề tự học ở người trí thức Việt Nam thời Pháp đô hộ thật đáng là vấn đề để suy ngẫm. Dương Tường là một trường hợp điển hình về chuyện học hành khó khăn do lớn lên trong kháng chiến chống Pháp và nhờ cố gắng vượt qua hoàn cảnh mà trở thành nhà trí thức… Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, rồi toàn bộ những năm hòa bình đầu tiên sau 1954, Dương Tường chăm chỉ miệt mài tự học như vậy nên Tường đã tự thu nhận được một kiến thức khá rộng và khá sâu về văn học nghệ thuật. Hơn nữa Tường lại là người quảng giao như tôi đã nói. Những người quen của anh lại là những văn nghệ sĩ tài danh. Họ đã định hướng cho anh (hướng dẫn nên đọc sách nào), đã đào tạo cho anh mà họ không biết, anh cũng không biết. Cuối cùng Dương Tường trở thành một nghệ sĩ độc đáo tự lúc nào anh cũng chẳng hay.
Có thể nói cách học của Tường, hay của những người tự học là một cách học độc đáo, cách học vắn tắt. Họ chỉ đọc những sách nào đáng đọc. Họ chỉ nghiên cứu những vấn đề nào họ cần thiết. Cách học đó thật đích đáng, đỡ phí thời gian. Người học theo cách đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Người hợp với sách và sách hợp với người. Sách và người đọc gặp nhau theo nguyên lí cộng hưởng. Người đọc đã mang sẵn mầm của sách. Gặp ý tưởng trong sách đồng điệu là lập tức người đọc đắc ý tương tri, nó cộng cảm ngay với sách và rung lên ngay khúc tơ đàn đồng điệu. Học như thế học một biết mười.
(Trích Dương Tường)
“Tôi cứ nghĩ đến hình ảnh nhà tiểu thuyết như một người nghệ sĩ cân bằng đứng trên một sợi dây mong manh, căng giữa hai đầu là hiện thực và tâm linh. Làm sao cho khỏi ngã. Thiên quá về hiện thực bên ngoài sẽ rơi vào cực báo chí. Thiên quá về cực tâm linh tinh thần sẽ đẻ ra thứ văn khô héo sự sống.
Ở trên, tôi đã nói nhiều về thứ hiện thực “đi ngàn vạn dặm”. Đó là hiện thực bên ngoài. Còn có một thứ hiện thực thứ hai, đó là hiện thực bên trong. Nhà tiểu thuyết còn có nhiệm vụ là đi thực tế vào bên trong bản thân mình. Sự nội quan ấy rất quan trọng… Trời đã phú cho người nghệ sĩ như là một cái màng nhạy cảm của xã hội. Chúng ta được tự do hơn những người bình thường, chúng ta không bị gò bó lắm bởi những điều chính thống. Do vậy, chúng ta dễ cảm nhận. Chỉ một cái rét thoảng, chỉ một tia nắng ấm dọi vào là cái màng nhạy cảm ấy đã rung lên. Chính vì vậy chúng ta dễ phát hiện ra những khát khao ẩn ngầm trong ta và ngoài xã hội.
Người nghệ sĩ, nếu đúng là một nghệ sĩ, phải nói lên được những điều ẩn ngầm ấy mà vô thức xã hội đã mách bảo cho ta.”
(Trích Suy nghĩ về hiện thực trong đổi mới tiểu thuyết)
“Tôi vẫn nghĩ việc viết tiểu thuyết giống như việc ta với tay lên trời. Có bao giờ ta với tới được trời xanh. Tuy nhiên, vẫn có người với cao hơn và có người với thấp hơn. Chúng ta đang chạm tới một vấn đề bí ẩn của văn học: đó là tài năng. Chúng ta không thể huấn luyện để làm sản sinh ra tài năng, nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được những điều kiện như thế nào thì tài năng dễ phát triển.
Tôi luôn thiên về ý nghĩ nhà văn phải tự tạo ra mình, tự sinh nở ra mình. Không ai biết mình hơn là nhà văn biết về bản thân, hắn ta cần cái gì, thiếu cái gì, đi tìm cái gì, hắn ta phải tự biết, phải tự bổ sung những khiếm khuyết, phải chăm chắm đi về hướng mà mình đã chọn. Không ai, ngoài ta, biết giúp ta. Nhà văn phải độc hành đi theo hướng mình đã chọn lựa. Nếu gặp duyên, hắn sẽ đến được đích, nếu không hội đủ được nhân duyên, thể tất hắn phải hi sinh. Nhà văn như kẻ đi săn, cuốn tiểu thuyết hắn cố gắng đạt tới, nó như một con thú dữ vừa nhanh nhẹn, vừa xảo quyệt. Có thể hắn sẽ chết trước khi đến được con thú nhưng cũng có thể hắn thuần phục được con thú dữ.”
(Trích Suy nghĩ về hiện thực trong đổi mới tiểu thuyết)
“Nguồn của nhà văn gồm hai thứ: cuộc sống và sách vở. Thiếu một trong hai nguồn, khó có thể đi xa.
Cuộc sống là nguồn chủ yếu. Sống nhiều và sống sâu sắc, luôn suy ngẫm.
Nhà văn phải sống mãnh liệt bằng hết trái tim và khối óc mình. Nó là một cái màng nhạy cảm nhất của xã hội. Nó lại tự cho mình một quy chế tương đối tự do nên xã hội khát khao ở chỗ nào, thừa ở chỗ nào, thiếu ở chỗ nào là lập tức cái màng nhạy cảm ấy rung động ngay để thỏa mãn khát khao của cộng đồng, hoặc bù trừ vào những chỗ thừa thiếu để làm cân bằng hài hòa tinh thần xã hội.
Hiện thực, cuộc sống là điều gây tranh cãi nhiều, nhưng dù ở trường phái văn học nào, người ta cũng vẫn phải công nhận sự quan trọng của nó trong văn học, nhất là tiểu thuyết. Ngay cả trường phái tiểu thuyết mới, trường phái xóa bỏ nhân vật, cốt truyện, tâm lí mà chỉ còn để ý miêu tả nhân vật thôi, chẳng qua cũng là cách phủ định hiện thực, vì đã quá chán chường một xã hội quá ư dư thừa, quá ư chóng mặt, quá ư máy móc, vậy nó vẫn liên quan đến hiện thực.”
(Trích Vài suy ngẫm về nghề)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá LOOK

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Phụ Nữ Việt Nam
Ngày xuất bản2021-09-01 00:00:00
Loại bìaBìa mềm
Số trang332
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam
SKU6211797696742
Liên kết: [BIGSIZE_75ml] Tinh chất dưỡng trắng sáng Dr. Belmeur Vita Serine Tone Smoothing Serum