Tác giả:Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, lớn lên đi học tại Quảng trị và Huế, hiện đang định cư tại Canada. Tốt nghiệp Y khoa tại Đại học McMaster, Bác sĩ Nội trú Đại học Toronto, Bác sĩ Thường tr...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Thư gởi con trai

Tác giả:

Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, lớn lên đi học tại Quảng trị và Huế, hiện đang định cư tại Canada. Tốt nghiệp Y khoa tại Đại học McMaster, Bác sĩ Nội trú Đại học Toronto, Bác sĩ Thường trú Đại học UBC, là bác sĩ ở Canada.

Làm thơ, dịch thuật, viết truyện, viết phê bình.

Tác phẩm đã in: Thơ đến từ đâu (NXB Lao động, 2009), Đối thoại văn chương (NXB Tri thức 2012); Thơ cần thiết cho ai (NXB Hội Nhà văn, 2015), Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, dịch, NXB Trẻ, 2017)…

Tác phẩm đã in: 26 nhà thơ đương đại (in chung), Thơ đến từ đâu, Thơ cần thiết cho ai, Đối thoại văn chương, Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, dịch), Blue reflections, Bốn mươi năm thơ, Thư gởi con trai

Sắp xuất bản:, Selected poems, Thơ buổi sáng, Tùy bút, Đọc thơ.

Tác phẩm

”Cuốn sách nhỏ này tập hợp những bức thư viết rải rác trong nhiều năm, nhân vật trong ấy mới đầu là một cậu bé nhỏ tuổi. Các cậu bé ấy ngày một lớn lên, khác đi, người viết cũng ngày một lớn lên và già đi. Không có gì trên đời là vĩnh viễn. Hãy nghĩ khác đi. Hãy cảm xúc khác đi. Chúng ta có một mùa để sống, một mùa để yêu thương, một mùa để nhớ lại. Tôi gởi đến các con lời cảm ơn của người có được may mắn làm bổn phận của cha mẹ, dẫn các con đi qua một đoạn đường ngắn mà lòng đầy hy vọng. Kỷ niệm ấy, niềm hy vọng ấy là tia mặt trời ấm áp chiếu rọi cuối một ngày cho một người.”

Đây là tâm sự của tác giả Nguyễn Đức Tùng, trong “Lời nói đầu” của cuốn sách “Thư gởi con trai – Những bài học về sự tử tế”. Bằng những câu chuyện thủ thỉ với con, về mọi việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tác giả đã đưa vào đó những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một người đàn ông từng trải, một người cha muốn con mình “nghĩ khác đi”, “cảm xúc khác đi”, và trên hết là hiểu “không có gì trên đời là vĩnh viễn”, để con biết trân trọng, yêu thương những gì còn có trong tầm tay.

Gọi là “Thư gửi gởi con trai”, nhưng 80 lá thư trong tập sách là 80 lá thư mà ai cũng cần được đọc. Các bạn nhỏ đọc để cảm nhận được tình yêu thương vô bờ mà bố mẹ dành cho mình, để học cách “nghĩ khác đi” trước khi đòi mua một món đồ đắt tiền để khoác lên mình cho bằng bạn, bằng bè… Những người làm cha, làm mẹ đọc để thêm trân trọng “món quà của thượng đế” là những đứa con: “Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cảm ơn của chúng dành cho mình, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái tivi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ chóng qua, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa”.

Mỗi bài viết đều là những bài viết ngắn, đề cập đến những việc đơn giản thường ngày nhưng đều có những khoảng lặng đáng suy ngẫm, không chỉ là câu chuyện cha nói với con mà còn là lời nhắc đối với mỗi người trong những vội vàng, bộn bề của cuộc sống, được sống chậm lại, lặng yên để ngắm nhìn lại mình và cuộc sống xung quanh. Đúng như tác giả viết: “Những bức thư này là câu chuyện, không phải những bài giảng luân lý hay lời khuyên đạo đức. Chúng chỉ kể lại những kinh nghiệm, những cảm xúc, những suy nghĩ. Nếu con tìm thấy ở đó bài học của ký ức, những kết luận về lối sống, thì đó là lời khuyên của chính những câu chuyện ấy, những cuộc đời ấy, tình huống ấy”.

Cuốn sách được viết bởi một người Việt xa xứ đã lâu, một người Việt có tâm hồn của một thi sĩ và cái nhìn chiêm nghiệm của một bác sĩ, mỗi dòng mỗi chữ viết về ngôn ngữ mẹ đẻ, về kí ức tuổi thơ, về hai tiếng “Việt Nam”, đều thấm đẫm yêu thương. Văn viết chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng lại là những khoảng lặng đáng quý để ai cũng có dịp được nhìn lại, được lắng nghe mình và lắng nghe cuộc sống.

Trích đoạn

10. KẺ ỨC HIẾP

Mùa trượt tuyết năm nay bắt đầu sớm ngay sau lễ Giáng sinh. Thể thao vừa để rèn luyện vừa là một thú vui giải trí. Về mặt hữu ích, thể lực rất quan trọng để con có thể đi xa, làm nhiều việc. Nhưng thể lực cũng có những khuôn mặt khác.

Hôm qua, trong ngày trượt tuyết đầu tiên, ra về, sau một khúc quanh dưới chân đồi thơm mùi lá thông, chúng ta đã chứng kiến cảnh một đứa bé đứng trong tuyết bị bao vây bởi những đứa khác. Một thằng bé lớn nhất đã dí nắm đấm vào mặt nó. Thằng bé ấy có thể đã gây ra một lỗi lầm nào đó, cũng có thể hoàn toàn vô tội. Trước khi chúng ta kịp phản ứng, một huấn luyện viên trượt tuyết tình cờ đi ngang qua và can thiệp.

Bọn trẻ giải tán.

Đó là một ví dụ của sự ức hiếp.

Ức hiếp là việc dùng sức mạnh của một cá nhân với ưu thế về thể lực để đe dọa một kẻ khác, hoặc của đám đông đối với một số ít người, của đa số đối với thiểu số, của một dân tộc mạnh hơn đối với một dân tộc yếu hơn. Của những người có súng đối với những người không có súng. Của đàn ông đối với phụ nữ, trong các bạo hành tình dục, hãm hiếp, lợi dụng các ưu thế về sức mạnh và địa vị, và nhất là lợi dụng tâm lý sợ hãi của kẻ yếu, phổ biến khắp nơi, nhưng nhất là ở những nơi không có tự do ngôn luận. Tuy nhiên ức hiếp cũng không chỉ dừng lại ở thể lực hay tình dục. Đó còn là sự đe dọa hay sỉ nhục của người thông minh hơn đối với người chậm hiểu hơn, của người tài năng hơn đối với kẻ ít tài năng hơn, của người đẹp hơn đối với người xấu hơn, của người bình thường đối với người khuyết tật, của người có học vấn cao hơn đối với người có học vấn thấp hơn, của người thuộc phe này đối người thuộc phe khác, của người hùng biện hơn đối với người không có khiếu ăn nói.

Trong thời đại xa xưa, hàng triệu năm trước, những kẻ săn bắn giỏi, các lực sĩ, những người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh có quyền bắt kẻ thua cuộc làm nô lệ, cướp đàn bà và gia súc của họ. Một vài trăm năm trước một dân tộc mạnh hơn có quyền đô hộ một dân tộc khác, một chính quyền có súng có thể nổ súng vào đám đông đòi tự do. Ngày nay chuyện ấy khó được chấp nhận, khó có thể xảy ra hơn, nhưng vẫn xảy ra. Sự ức hiếp khó xảy ra hơn không phải chỉ vì những người mạnh hơn trở nên tốt hơn mà còn vì lòng dũng cảm của mỗi cá nhân, vì ý thức của những người như chúng ta.

11. BỊ PHẠT

Con lên năm tuổi, bị phạt vì nói một tiếng xấu, bad language, và nói nhiều lần. Chữ xấu, chữ tục hay tiếng chửi thề, bị cấm dùng ở trẻ con. Ngay ở người lớn, chúng cũng không được dùng, trừ một vài trường hợp đặc biệt có thể hiểu được như phản ứng trước kẻ thù hay trước các tội ác.
Con đã nói gì? Stupid. Ngu ngốc. Đó không phải là một tiếng quá thô tục, nhưng xấu.

Tại sao những từ xấu, hay tiếng tục, không được phép dùng? Vì nó xúc phạm đến người khác, một người hay nhiều người, đôi khi một cộng đồng, một dân tộc. Hơn thế, nó cũng có thể gây tổn thương cho chính người nói, chính con.

Dùng chữ tục là thái độ miệt thị đối với người khác, với bạn mình. Sự miệt thị thường không đúng với sự thật. Khi con mắng người khác là ngu ngốc, nội dung của chữ ấy không đúng vì người đối diện có thể thông minh hơn con. Ngay cả đối với một người có thể tạm gọi là không thông minh bằng chúng ta, điều đó không phải là một khuyết điểm thuộc về nhân phẩm. Mỗi người sinh ra đời đều được quyết định bởi hai thành phần, các tố chất bẩm sinh, gọi là tiên thiên, nature, và các tố chất do gia đình và học đường, gọi là dưỡng dục, nurture. Nếu các tố chất thứ hai có thể là trách nhiệm của một cá nhân, thì tố chất thứ nhất hẳn nhiên là không. Một người sinh ra cao hay thấp, đẹp trai hay xấu gái, gầy hay mập, lành lặn hay có tật nguyền, không phải là lỗi của người ấy. Tương tự như thế, một người sinh ra, thông minh hay chậm hiểu, ở miền Bắc hay ở miền Nam, ở châu Âu hay ở Syria, không phải là lỗi của người ấy. Trong một lớp có học sinh giỏi và học sinh kém. Trong quân đội có người là sĩ quan, có người là binh nhì, mỗi người một việc. Vì vậy không ai được xúc phạm đến người khác chỉ dựa trên những yếu tố vượt ngoài sự kiểm soát của người ấy.

Vậy, con bị phạt. Ngồi trong góc phòng một tiếng đồng hồ. Nhưng hôm ấy do bận rộn, ta quên trở lại, và khi từ trên lầu xuống nhà, con đã ngủ quên, ngủ say, nằm cong người trên sàn nhà, tựa người vào vách tường. Ta đứng lại, ngắm con đang ngủ và suy nghĩ. Những người lớn tuổi thường có thói quen ngẫm nghĩ.

Trên ngực con, một tấm chăn mỏng đắp qua. Ngay phía trên chỗ con nằm ngủ, có hai bức ảnh, một của bà nội, một của bà ngoại. Có thể một trong hai người, bà ngoại hay bà nội, đã mỉm cười cúi xuống lấy tấm chăn mỏng đắp ngang ngực cho con.

Hôm ấy mẹ con không có ở nhà. Một người nào đó đi ngang qua? Chắc có một người nào đó, nhưng đâu có gì quan trọng đó là ai, bà nội hay bà ngoại, hay mẹ của con, hay một người phụ nữ bí ẩn nào đó đã đắp tấm chăn lên ngang ngực một đứa trẻ nằm ngủ, trong một ngày tươi đẹp của tuổi thơ.

Chúc mừng con được khen thưởng trong cuộc bơi một dặm, 1.6 cây số. Con bơi một dặm hết 31 phút 53 giây. Đó là tốc độ khá cao ở lứa tuổi của con.

Khi ngồi bên bể bơi, ngắm những đứa trẻ sải tay vun vút trên mặt nước, ta nghĩ đến nước mắt. Nước mắt chảy ra sau thời gian ngắn sẽ khô đi, phần lớn không phải vì bốc hơi mà vì được dẫn truyền xuống ống nước mắt gọi là tuyến lệ. Có một căn bệnh nhiều nước mắt, do tắc tuyến lệ. Ta đã nhìn thấy những người bị bệnh trầm trọng đến nỗi dù trải qua nhiều phẫu thuật, đường dẫn vẫn không khai thông, nước mắt chảy tràn, lúc nào cũng như khóc. Nước mắt cần thiết để bảo vệ cho mắt tránh khỏi tổn thương do bụi bặm. Thông thường trên mắt có một lớp nước mỏng khó thấy, chúng từ từđược dẫn lưu qua tuyến lệ chậm chạp nhưng đều đặn. Tấm màng nước mắt mỏng ấy tạo ra vẻ long lanh của mắt, có lẽ vì thế nên người Pháp gọi chúng là cửa sổ tâm hồn. Khi bị bệnh hoặc bị kích thích, nước mắt tăng lên có thể nhìn thấy được. Nếu nước mắt tăng lên nhiều sẽ tạo thành từng giọt lăn trên má thay vì được dẫn lưu xuống. Khóc và nước mắt gần như là một, nhưng có những khóc thầm không ra nước mắt và cười ra nước mắt. Trong một số nền văn hóa, chỉ trẻ con và phụ nữ mới khóc. Đàn ông ít khi khóc, trừ trường hợp đặc biệt như tang lễ. Đối với nhiều người, nhất là người lớn tuổi, sau nhiều năm không khóc, một lần nào họ để rơi nước mắt là một lần không quên. Ngoài cái chết của người thân, đàn ông khóc vì nhận ra cuộc đời bất hạnh, thế giới đối xử không công bằng với họ, cảm giác tự thương thân. Phụ nữ khóc vì nhiều lý do khác.

Một lần đang ngủ, lúc gần sáng, con bỗng thức dậy và nói:

- Trên mặt con có nước ba ạ.

- Nước gì? Nước mắt phải không?

- Phải.

- Con khóc hay sao?

- Dạ vâng. Nhưng ít, một tí ti thôi.

Đó là giọt nước mắt không có nguyên nhân. Con đã khóc có thể vì một giấc mơ, từ trong giấc mơấy một người nào khác đã khóc, hay có thể vì một sự việc ngày hôm trước, nằm sâu trong vô thức. Giọt nước mắt ấy của con buồn hay vui, ta không biết.
Nước mắt, của ta hay của người khác, hay của thế gian, bao giờ cũng quý, con hãy giữ gìn.

15. ĂN MẶC

Hoàn tất kỳ huấn luyện lifeguard, nhân viên cứu hộ mặt nước, con được mẹ hứa tặng đôi giày. Nhưng hóa ra con muốn một đôi giày quá đắt tiền, như chúng bạn. Mẹ con không đồng ý.

Những thiếu niên mới lớn bằng tuổi con, lớp sáu, lớp bảy, bắt đầu có nhu cầu mặc đẹp, biết chọn lựa áo quần, giày vớ. Đó là sự phát triển tự nhiên. Ngày trước ta cũng thế, vào đệ thất, muốn có một cái đồng hồ và chiếc xe đạp, hồi ấy không phải dễ kiếm. Gần đây mẹ than phiền rằng con đã bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Quá nhiều thứ đắt tiền. Lý do vì các bạn cùng lớp đều ăn diện thế. Gần như tất cả bạn con đều được cha mẹ sắm điện thoại, sử dụng internet, mang đồng hồ đẹp, mang áo quần đắt tiền. Vì trường của con là trường tôn giáo mặc đồng phục, nên áo quần không có nhiều chọn lựa. Tuy nhiên trong những sinh hoạt khác, con muốn được như chúng bạn.

Mẹ con không đồng ý với việc sắm điện thoại đắt tiền hạng nhất, tự do vào internet, không thích trẻ ăn mặc quá sang trọng. Sau này con sẽ nhận ra có một người mẹ nghiêm khắc như vậy là may mắn. Bây giờ thì chưa. Ta cần giải thích với con, vì sự hiểu biết làm tăng khuynh hướng nghe lời, vui vẻ mà nghe.

Khi muốn thay đổi, người ta muốn mặc quần áo mới, để tóc kiểu mới, xăm mình, đeo bông tai. Những thay đổi ấy chỉ là bề ngoài. Những thứ con cần thay đổi là bên trong. Là sự hiểu biết, sức suy nghĩ, chiều sâu của tình yêu thương, cảm giác về công bằng và bất công, trí tò mò về thế giới. Những thay đổi này kéo theo tất cả thay đổi bên ngoài khác. Khi con tử tế hơn, nụ cười sẽ đẹp hơn, khi con dũng cảm hơn, khuôn mặt con sẽ sáng hơn. Ta không phản đối chuyện mặc đẹp, nhưng chúng là thứ yếu.

Người trẻ cũng có nhu cầu gây ấn tượng lên người khác, nhất là bạn cùng trang lứa, cùng giới hay khác giới, nhu cầu tự khẳng định và thấy mình là quan trọng, nổi bật. Nhu cầu được chú ý, khen ngợi. Gần như mọi người, già hay trẻ, đều có nhu cầu ấy, nhưng ở mức độ vừa phải và không ảnh hưởng đến những giá trị căn bản. Ở một số người trẻ, việc thích nổi bật này hướng dẫn các hành vi khác. Thực ra, đằng sau nó là lo sợ.

Lo sợ điều gì?

Lo sợ bị đánh giá thấp, bị coi thường, bị bỏ rơi. Lo sợ không thuộc về một nhóm người, tầng lớp tinh hoa. Lo sợ không phải là một phần tử của đám đông, mà bị tách ra. Bị bắn sẻ. Con có cách khác để gây ấn tượng lên người chung quanh, dễ thực hiện hơn. Đó là không để ý đến việc người khác đánh giá mình như thế nào qua ăn mặc, chỉ cần sạch sẽ gọn gàng. Hãy để mọi người nhìn con như một đứa bé tốt bụng, giỏi, khiêm tốn. Tốt bụng là vị tha, không ích kỷ, nhìn quanh trước khi tiến lên.

Con sinh ra đời không phải để giành lấy cho mình càng nhiều càng tốt. Giỏi là hoàn tất một công việc, thực hiện trọn vẹn một bổn phận. Ta nhấn mạnh chữ một. Không ai giỏi tất cả mọi thứ. Khiêm tốn không phải là lễ phép, mà sâu xa hơn, là tin rằng người đối diện tốt hơn ta, ít nhất về một mặt nào đó, và thành thật tin như thế. Tốt bụng, giỏi, khiêm tốn, quả cảm, là các phẩm chất quyết định nhân cách một đứa bé.

Đó là viên kim cương, khi được cầm trong tay nó sẽ chiếu sáng, và con không cần đến một trang sức lấp lánh nào khác nữa.

Vả lại, và ta sẽ trở lại vấn đề này trong một thư khác, mục đích của đời sống không phải là vui chơi.

24. BÀN TAY

Sau khi bị phạt tối qua, được tha lỗi, con chạy lại định ôm hôn ta theo thói quen, nhưng dừng lại. Đó là năm 2020. Thời gian cả thế giới bị đại dịch do siêu vi Covid-19 gây ra. Con hỏi là chúng ta sẽ không bao giờ được ôm hôn, hay bắt tay nhau, nữa chăng?

Câu hỏi hay.

Trong gia đình, chúng ta có thể làm mọi thứ, bất kỳ lúc nào. Nhưng khi ra ngoài, ở nhà trường, khi gặp thầy và bạn, chúng ta không bắt tay, không ôm hôn, đứng cách xa nhau như con đã biết. Nhưng mùa dịch này dù ác liệt thế nào rồi cũng sẽ qua, và nhân loại sẽ trở lại với thói quen ấy. Khi được phép làm thế.

Ta chắc chắn như vậy.

Bây giờ hãy nhìn vào bàn tay của con.

Hãy tập thói quen đọc những thứ mà con không hiểu.

Con hãy nhìn vào cả hai mặt của bàn tay con. Nhưng với người khác, con chỉ nhìn vào lưng bàn tay thôi, trừ khi được yêu cầu, mới được nhìn vào lòng bàn tay của họ. Lòng bàn tay là sự riêng tư. Một số người tin vào đường vân tay, họ cho rằng ở đấy có những biểu hiện của số phận một đời người, như đường chỉ tay nói về sức khỏe, đường về tình cảm, về học hành, hay công danh sự nghiệp. Con đường may mắn. Có những người bói toán chuyên coi chỉ tay, đáng tin hay không là chuyện khác, sau này lớn lên, con tự phán xét lấy. Nhưng đường vân tay cũng được sử dụng trong y học và dùng trên một số giấy tờ như con biết những lần đi qua phi trường.

Trong một mùa hè trên bãi biển, ta đã có dịp cầm bàn tay của con và ngắm nhìn bàn tay ấy. Có một thói quen nên tập là nhìn bàn tay của người thân yêu, lưng bàn tay, cầm lên, nắm chặt trong tay mình. Ở đó, con nhận ra cái đẹp của cuộc sống.

Bắt tay cũng là một thói quen như thế. Bắt chặt, nhưng vừa phải, đừng lỏng quá mà cũng đừng chặt quá. Trong cả tiếng Việt, tiếng Anh và có lẽ nhiều ngôn ngữ khác, bạn chìa một bàn tay ra còn có nghĩa là giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, bắt tay nhau có nghĩa là bè bạn, cầm tay nhau có nghĩa là đồng ý, vỗ lòng bàn tay vào nhau chứng tỏ sự vui mừng.

Con cần ngắm bàn tay của mình. Hai bàn tay ấy làm việc không mệt mỏi cho người chủ của nó. Chúng là khuôn mặt thứ hai. Chúng là đời sống mỗi ngày của chúng ta. Hai bàn tay, những ngón tay, những móng tay, những đường vân tay, nói về đời sống của chúng ta, về khuynh hướng của chúng ta, số phận một đời người.

Bàn tay ta tiếp xúc với đồ vật. Nó cầm một cái tách, một ngòi bút. Nó cầm một cái búa. Nó cầm một đồng tiền lên, đặt vào mũ của người ăn xin. Nó đặt tay lên vai một người bạn trong cơn hoạn nạn, nó chìa tay ra với kẻ thù cũ. Nó nhặt lên một cái ly vỡ, những mảnh thủy tinh vỡ li ti, trên sàn nhà, trong lòng người. Nó nắm lại, đấm vào mặt kẻ tồi bại. Đấm vào một cánh cửa không mở. Nó nhặt lên một sợi tóc của người đàn bà.

79.CỘI NGUỒN

Tuần trước, chúng ta có dịp đi bộ ngang qua trường học cũ của con, nhưng con cứ mãi bước đi mà không nhìn vào. Ngôi trường con đã học thời mẫu giáo và lớp Một trước khi chuyển tới trường khác.

Đó là điều đáng tiếc. Có lẽ bây giờ con còn chưa kịp nghĩ về trường cũ, chưa có dịp đánh mất nó. Lần sau nếu có dịp đi qua, con nên bước chậm lại ngoái nhìn một lát.Ký ức còn là lòng biết ơn.Ta sinh ra ở một mảnh đất nghèo khó nhưng được học ở một trường tiểu học thuộc loại đẹp nhất. Trường bên sông có sân cỏ lớn làm bãi đáp trực thăng, ở đó bọn ta tha hồ chơi bóng đá, quanh sân có dương liễu cao vút. Giữa sân có tấm bản đồ Việt Nam xây bằng gạch nổi lên giữa mặt hồ sen và súng. Trong chiến tranh nó đã bị phá hủy hoàn toàn. Khi hòa bình lập lại, một trong những nơi đầu tiên ta trở về thăm là trường cũ, nó không còn nữa. Ta ngồi trên sân trường giờ chỉ còn là đống gạch đá, đám cỏ lau mọc ngang đầu, ngồi suốt một buổi chiều. Khi nước mắt đã khô từ lâu, ta quyết định rằng dù thế nào ngôi trường ấy vẫn còn mãi trong lòng mình, và sẽ nhớ lại từng chi tiết căn phòng học, mái ngói đỏ, mùa hè chim sẻ ríu rít, khu vườn trồng nhiều ổi và cam, sẽ nhớ thầy học cũ và bạn bè ngày trước.

Một nhà triết học cổ đại nói rằng không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông, ý nói sự vật mỗi giờ mỗi thay đổi. Ta tin rằng có thể trở lại tắm trên dòng sông ấy, cùng làn nước ấy, bằng ký ức. Chỉ có tuổi thơ là lưu giữ được hai thứ: ngôi nhà và ngôi trường thơ ấu. Quê hương của một người có thể không phải là nơi chốn đẹp nhất trên trái đất nhưng là nơi đẹp nhất đối với người ấy. Chúng ta càng lớn lên càng già đi, càng phải trẻ lại, như một người đi xa tìm cách trở về. Dù ngôi trường ấy có thể lớn hay nhỏ, nhiều phòng hay chỉ một, ngoài đường có liễu hay chẳng có cây cối gì, tường sơn màu trắng hay xám xịt thì chúng cũng là tình yêu đầu tiên. Trên sân trường có thể có tấm bản đồ bằng gạch hay không, có cái hồ nước nhỏ hay chỉ có chiếc đu quay, cây bàng đỏ hay phong vàng hổ phách, hay một điều gì chỉ có chúng ta mới biết. Con sẽ mang theo trong tâm hồn mình hồ nước ấy, chiếc đu, cây bàng, cây phong ấy, như căn nhà yêu dấu, nơi trú ẩn an toàn, khi lớn lên.

Khi lên năm tuổi, một hôm con gọi điện cho ta nhắc rằng bảy giờ chiều có chương trình Jeopardy mà tatheo dõi, vậy ráng thu xếp về sớm. Ta cảm ơn con về lời nhắc. Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cảm ơn của chúng dành cho mình, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái tivi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ chóng qua, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa. Ngày trước thỉnh thoảng cha của ta, tức ông nội con, vẫn dành thì giờ đạp xe chở con trai đi chơi nơi này nơi khác. Thật là kỷ niệm khó quên.

Ta cảm ơn con đã đến cuộc đời này, trở thành con của ta và của mẹ con, trở thành đồng bào. Mỗi khi có chuyện buồn, lo âu, thất vọng về người khác hay về chính mình, cay đắng, khuôn mặt tươi vui của con hiện ra trong trí tưởng làm lòng ta dịu lại. Con há chẳng phải là món quà của thượng đế hay sao. Ta tự hào về con, tự hào được làm người sinh ra con, cầm tay dẫn đi trên đường, dù chỉ một đoạn ngắn, rồi buông. Có lần ta nằm ngủ, sau một đêm thức trắng, con xông vào phòng, nhảy lên ngực ta. Đó là cảm giác kinh ngạc, hoảng sợ. Ta mở choàng mắt, tức giận, hét lớn, muốn vung tay lên, nhưng con lại nhìn ta nhoẻn miệng cười. Ta chắc rằng tất cả những người từng làm cha làm mẹ, đều nhớ những cảm giác tương tự. Lần ấy nằm trên lưng của cha ta, khi người băng qua cánh đồng rồi chạy bộ trên đường rải nhựa nóng, qua cầu, ta không biết gì, nửa thức nửa mê, thế nhưng sau này đôi khi vẫn nhớ lại, vô thức trỗi dậy, làm việc, ta còn nhìn thấy khuôn mặt của cha bên giường bệnh, cúi xuống, đầy thương yêu, lo lắng, và ta hình dung được khuôn mặt của một đứa trẻ khi ấy, đã bớt đau, mỉm cười, và ta không hề biết rằng đó là món quà lớn mà mình đã tình cờ mang tặng cho bậc thân sinh. Thực ra đó cũng chẳng phải là món quà của ta đâu, mà của một thực hữu cao hơn, ta chẳng qua chỉ là người cầm trên tay mang lại.

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá OUSE

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Phụ Nữ Việt Nam
Ngày xuất bản2023-03-01 00:00:00
Kích thước13 x 20.5cm
Loại bìaBìa mềm
Số trang352
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam
SKU7226616296582
Liên kết: Nước cân bằng nâng cơ trẻ hóa da Yehwadam Myeonghan Miindo Ultimate Toner (160ml)