Giới thiệu SÁCH - Gia đình, xã hội và tâm linh
Tác giả Thích Nhật Từ
Công ty phát hành Saigon Books
Nhà xuất bản NXB Hồng Đức
Số trang:252
Năm phát hành 04/2021
GIA ĐÌNH, XÃ HỘI VÀ TÂM LINH - THƯỢNG TỌA THÍCH NHẬT TỪ
Lời tựa của Thượng tọa Thích Nhật Từ trong sách Gia đình, xã hội và tâm linh:
Phần kinh Thiện Sanh trong kinh Trường A Hàm là cẩm nang về đạo làm người, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo qua các quan niệm về cá nhân, gia đình và xã hội của Đức Phật, đề cập đến đời sống lành, đời sống hạnh phúc, đời sống có văn hóa và những giá trị tương quan thiêng liêng nhất của kiếp người.
Đạo Phật không khuyến khích các hình thức tự cô lập hay tự tách rời bản thân khỏi các mối tương quan xã hội, vì như thế là chúng ta đã đánh mất cơ hội tiếp nhận những điều hay mà cuộc đời và người khác ban tặng, đồng thời cũng không thể thiết lập ảnh hưởng tích cực đến tha nhân.
Tương quan trong gia đình là các mối quan hệ quan trọng nhất đối với bất kỳ ai. Tương quan vợ chồng là điểm xuất phát của gia đình, và sau một thời gian chung sống, người vợ và người chồng sẽ trở thành cha, mẹ – tương quan giữa cha mẹ và con cái từ đó bắt đầu xuất hiện. Thế nên, Đức Phật đã đưa ra những lời dạy về đạo làm chồng – làm vợ, đạo làm cha mẹ – con cái, sao cho chúng ta có thể xây dựng được một gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Đến tuổi trưởng thành, người con sẽ phải lao động mưu sinh và từ đó mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động được đặt ra. Song, trước khi có cơ hội trở thành người lao động, hầu hết mọi người đều phải trải qua thời gian học tập tại trường lớp – mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học trò xuất hiện từ đó. Với những lời Phật dạy về đạo làm thầy – trò, đạo làm chủ – tớ, ta sẽ có thể đối đãi với mọi người xung quanh bằng trí tuệ và lòng từ bi để có thể xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, chân thành với thân bằng quyến thuộc cũng như với tất cả mọi người.
Ngoài các mối tương quan gia đình và xã hội, không ít người trong chúng ta còn có tương quan tâm linh, tức là mối quan hệ giữa bản thân các tín đồ với tín ngưỡng của riêng mỗi người. Mối tương quan tâm linh sẽ giúp chúng ta sống an lành, thong dong, tự tại, dù gặp được thuận duyên hay phải chịu nghịch cảnh. Trong quyển sách này, tôi nói đến tương quan tâm linh trong tín ngưỡng Phật giáo.
Thông qua Gia đình, xã hội và tâm linh, tôi hy vọng quý độc giả, quý Phật tử sẽ có thể rút ra được những bài học cho bản thân mình trong mối quan hệ gia đình, xã hội và tâm linh. Từ nền tảng đó, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh hành vi của mình nhằm thắt chặt tình cảm giữa mình với những người xung quanh. Làm được như thế có nghĩa chúng ta đã biết cách chuyển hóa, mà chuyển hóa chính là tu, là tìm thấy con đường đi đến bình an, hạnh phúc.
Giá KEK