Giới thiệu Sách - Chuyện cũ viết lại
Tập sách nhỏ bé này, từ khi bắt đầu cho tới lúc viết xong, ngày tháng trải qua cũng có thể nói là khá dài: vừa chẵn mười ba năm. Truyện đầu tiên “Vá trời”, tựa gốc là “Núi Bất Chu”, hoàn thành vào mùa đông năm 1922. Ý định khi ấy là rút các đề tài thời cổ đại và hiện đại để sáng tác truyện ngắn. “Núi Bất Chu” lấy ở thần thoại “Nữ Oa luyện đá vá trời”, là truyện cầm bút viết thử đầu tiên. Lúc đầu định viết thật nghiêm túc, tuy cũng chỉ dùng học thuyết của Freud(1) để giải thích nguyên nhân sáng tạo nên con người và văn học vậy thôi. Nhưng chẳng rõ vì sao mà giữa chừng ngưng bút, đi xem báo, không may lại gặp bài viết của ai đó - nay quên mất tên rồi - phê bình tập “Gió hoa huệ” của anh Uông Tĩnh Chi, nói rằng muốn ngậm nước mắt van xin các vị thanh niên, làm ơn đừng viết ra thứ văn tự ấy nữa. Sự âm hiểm đáng thương đó khiến tôi thấy buồn cười, nên khi tiếp tục, bất luận thế nào, tôi cũng không thể không đưa ra một tiểu trượng phu mặc áo mão thời xưa, xuất hiện giữa hai chân Nữ Oa được.
Tôi quyết định không viết loại truyện như thế nữa, nên khi cho in tập “Gào thét”, tôi đưa vào cuối quyển, coi như bắt đầu và cũng là kết thúc luôn.
Lúc bấy giờ, nhà phê bình của chúng ta là Thành Phỏng Ngô tiên sinh đang vung rìu lớn dưới ngọn cờ “Cuộc phiêu lưu của linh hồn” trước cửa Sáng tạo xã. Ông gán tội danh “dung tục”, hạ mấy rìu chém chết tập “Gào thét”, chỉ duy nhất “Núi Bất Chu” được ông xem là kiệt tác, tất nhiên vẫn có chỗ chưa hay. Thành thật mà nói, đó chính là nguyên nhân khiến tôi không những không phục mà còn khinh thị vị dũng sĩ kia.
Tôi không coi rẻ “dung tục”, ngược lại còn tự cho phép mình dung tục” nữa. Đối với truyện lịch sử, tôi cho rằng cần tra cứu nhiều văn thư, nói phải đầy đủ chứng cứ, dẫu có trở thành “tiểu thuyết giáo sư” và bị người ta chê cười thì cũng đành chịu, bởi vì đây thật sự là thể loại rất khó xây dựng khi sáng tác. Còn như chỉ lấy đại một duyên cớ nào đó rồi tùy ý tô vẽ, dàn trải thành câu chuyện thì cần gì đến tài năng? Huống hồ “như cá uống nước, nóng lạnh tự biết”, hay nói dễ hiểu là “trong người có bệnh tự mình biết”: nửa sau “Núi Bất Chu” được viết quá sơ sài, tuyệt đối không thể xưng là kiệt tác. Nếu như độc giả tin vào lời nói của nhà phiêu lưu đó thì nhất định sẽ lầm, mà tôi cũng thành ra kẻ làm cho người khác sai lầm. Vậy là khi tập “Gào thét” được in lần thứ hai, tôi lược bỏ truyện này, đáp lễ một gậy bổ đầu cho cái vị “linh hồn” kia. Trong tập sách của tôi chỉ còn lại trơ trơ những thứ “dung tục”.
Cho đến mùa thu năm 1926, một mình sống nơi thạch thất ở Hạ Môn, nhìn ra biển lớn, lật đống sách cổ, chung quanh không một bóng người, lòng dạ vô cùng trống trải. Nhưng Vị danh xã(1) ở Bắc Kinh lại không ngừng gửi thư đến, thôi thúc viết bài cho tạp chí. Khi đó, tôi không muốn nghĩ đến những chuyện trước mắt, thế là hồi ức trong lòng cứ trào dâng, hoàn tất mười bài “Triêu hoa tịch thập”, đã vậy còn thu nhặt truyền thuyết thời xưa, chuẩn bị viết ra tám truyện trong “Chuyện cũ viết lại”. Nhưng vừa viết xong “Lên trăng” và “Đúc kiếm” - lúc mới đăng đề tựa “Mi Gian Xích”, tôi cần chạy tới Quảng Châu, việc này đành phải gác lại hoàn toàn. Về sau, thỉnh thoảng cũng kiếm được chút ít đề tài, tuy có viết ngay thành một đoạn tốc ký, song chưa hề chỉnh sửa lại.
Bây giờ mới xem như là hợp thành một tập truyện. Trong đây phần nhiều vẫn là tốc ký, không xứng với tên gọi tiểu thuyết theo quan điểm của sách “Văn học khái luận”. Kể chuyện, có khi thì căn cứ một ít trên sách cũ, có lúc lại chỉ toàn ứng khẩu nói ra. Hơn nữa, bởi vì tôi đối với người xưa thì không được thành kính như đối với người nay, cho nên không tránh khỏi có chỗ đùa cợt. Trải qua mười ba năm, tôi cũng không tiến bộ gì hơn trước, xem lại, thấy thật sự là “không có cái gì không thuộc loại Núi Bất Chu”.
Nhưng viết về người xưa hoàn toàn không khiến cho họ chết thêm nữa, nên có lẽ mấy truyện này vẫn tạm còn đất trống để tồn tại.
Ngày 26 tháng 12 năm 1935
LỖ TẤN
Giá EVDC