Giới thiệu Căn Phòng Máu _PNU
Căn Phòng Máu Căn Phòng Máu của Angela Carter là một tập truyện lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích và kinh điển phương Tây, gồm 10 truyện hết sức đa dạng từ 10 góc nhìn khác biệt đầy ấn tượng. Mặc dù mỗi câu chuyện đề cập đến một nhóm nhân vật khác nhau nhưng “phụ nữ bị áp bức tìm kiếm sự giải thoát” là chủ điểm chung được khám phá xuyên suốt tác phẩm, trở thành câu chuyện lớn đề cập đến nữ quyền và khả năng biến đổi.
Trong lời giải thích của chính nữ tác giả, mỗi câu chuyện bà viết không phải là một “phiên bản cổ tích theo lối Mỹ” như người ta vẫn tưởng mà đúng hơn, là một sự nối dài. Mục đích của bà là những truyện kể dành cho người lớn, từ chính những gì còn để ngỏ hay những chi tiết còn mơ hồ trong mạch truyện truyền thống, dùng chúng như là đầu mối để viết tiếp và bắt đầu những câu chuyện mới. Mỗi tác phẩm của bà, bởi vậy, vừa quen thuộc vừa mới lạ, vừa được khởi nguồn từ cổ tích vừa đối thoại lại với nội dung và cấu trúc cổ tích.
Angela Carter đã thành công trong việc gieo cấy những hạt giống cũ trên một nền đất mới, gồ ghề hơn, khắc nghiệt hơn, ‘noir’ hơn, nhưng cũng đậm chất nữ quyền hơn. Khác với những nhân vật nữ thụ động nhưng luôn được hưởng một kết thúc có hậu trong truyện cổ, cũng với những nhân vật ấy, đến Căn phòng máu lại mang một tư thế chủ động, phóng túng lạ thường. Angela Carter tái hiện những quy ước lỗi thời của truyện cổ tích và đưa ra cái nhìn sâu sắc về các nguyên mẫu và khuôn mẫu của phụ nữ trong những câu chuyện nổi tiếng này. Như với truyện “Hội sói”, Angela Carter đã rất tinh quái, phát hiện ra một màu sắc nhục cảm ẩn đằng sau phần đối thoại giữa cô gái và chó sói; trong đó cô gái là người chủ động dẫn dắt (luôn là người đặt câu hỏi trước). Kết thúc ở việc cô gái lên giường cùng chó sói không những gây bất ngờ trong tầm đón đợi ở độc giả, mà còn gửi gắm một ý vị nổi loạn nữ quyền. Không còn chấp nhận việc làm một tồn tại thụ động (bị giết/bị ăn thịt), mà ở đây, là sự tự ý thức về mình như một đối tượng được ham muốn, và khả năng “thuần hóa” nam giới, biến mình từ tình thế bị động sang thụ động. Với cấu trúc tự sự có khả năng phá vỡ mọi khuôn khổ cũ, tập truyện của Angela đưa lại những trải nghiệm mới, huyền bí, nhục cảm, đôi phần tăm tối, nhưng cũng đầy tính nữ.
Căn Phòng Máu đã đạt được giải Cheltenham năm 1979. Và tập truyện đã được chính tác giả và Neil Gordan chuyển thể thành phim điện ảnh The Company of Wolves (Hội sói) năm 1984. Bộ phim được đề cử và giành nhiều giải thưởng, đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Catalan năm 1985.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Tác giả:
Angela Carter (1940 - 1992)
Bà có sự nghiệp văn chương đồ sộ. Các tác phẩm của Angela Carter cả tiểu thuyết và truyện ngắn đều giành được nhiều giải thưởng; như: The Magic Toyshop (1967) giành giải thưởng John Llewellyn Rhys dành cho văn chương hư cấu, Several Perceptions (1968), được trao giải Somerset Maugham, Nights at the Circus (1985) đoạt giải thưởng James Tait Black Memorial dành cho văn chương hư cấu, The Bloody Chamber (1979) giành giải thưởng Cheltenham.
Một trong những điểm nhấn trong sự nghiệp của bà là năm 1979, sự ra đời của tập truyện The Bloody Chamber (Căn phòng máu) cùng tiểu luận mang đậm sắc thái nữ quyền The Sadeian Woman and the Ideology of Pornography (Người phụ nữ kiểu Sade và Ý hệ khiêu dâm). Với những trang viết ấy, Angela Carter có thể được coi “là nhà văn nữ có tư tưởng độc lập và tư duy độc đáo vượt trội hơn hẳn các nhà nữ quyền luận cùng thời”.
Năm 2008, Thời báo Times xếp Carter đứng thứ 10 trong danh sách "50 nhà văn vĩ đại nhất nước Anh kể từ năm 1945".
Một số trích đoạn hay:
“Truyện kể này không tìm cách ghi lại những kinh nghiệm thường ngày, như cách một tác phẩm truyện ngắn vẫn hay làm,” Angela Carter đã viết như thế trong lời bạt dành cho cuốn Fireworks, tập truyện ngắn đầu tiên của bà, xuất bản năm 1974; “Nó diễn giải kinh nghiệm thường ngày thông qua một hệ thống hình tượng khởi sinh từ những khoảng ngầm ẩn phía sau kinh nghiệm thường ngày”. Angela Carter đã đặt ra một sự phân biệt rõ ràng giữa cái mà sau đó bà mô tả như là “những phân mảnh của kinh nghiệm trực giác - một phương thức điển hình của truyện kể hiện đại thế kỉ 20” với phong cách “hoa mĩ, khác thường” và lối viết tượng trưng của hình thức tự sự mà bà ưa thích: truyện kể. Ngay từ đầu bà đã ý thức được rằng mình bị hấp dẫn bởi “những truyện kể theo phong cách Gothic, những truyện kể bạo liệt về những điều kì diệu, kinh hoàng, những tự sự hoang đường gắn kết trực tiếp với những hình ảnh từ vô thức”. Trong The Bloody Chamber (Căn phòng máu), tập truyện ngắn thứ hai của bà, Angela tiếp tục dùng lối viết này nhưng với những câu chuyện được gợi dẫn từ truyện cổ tích Tây Âu truyền thống; và chính sự lai ghép mới lạ này đã đưa tiếng nói của bà tới một phạm vi công chúng rộng hơn hẳn so với trước đó.
Căn Phòng Máu thường được nhắc tới, một cách nhầm lẫn, như là một tập truyện cổ tích đã được khéo léo thêm thắt những cú “twist” nữ quyền mang tính lật đổ. Thực chất, đó đều là những câu chuyện mới chứ không phải là những truyện cổ tích viết lại. Như chính Carter từng nói, “Tôi không có ý làm ra những ‘phiên bản’ hay những ‘chuyện cổ tích dành cho người lớn’ như trong lời giới thiệu tệ hại của ấn bản phát hành tại Mĩ; tôi chỉ trích xuất những nội dung vốn tiềm tàng trong những câu chuyện cổ và dùng đó như là xuất phát điểm cho những câu chuyện mới”.
Thêm một đoạn văn khác hoàn toàn có thể được dùng làm lời đề từ cho cuốn Căn Phòng Máu:
Làm đối tượng của ham muốn cũng có nghĩa là bị ấn định trong một tình thế bị động.
Tồn tại trong một tình thế bị động cũng có nghĩa là chết trong tình thế bị động - nói đúng hơn là bị giết.
Đó chính là đạo đức của truyện cổ tích về người phụ nữ hoàn hảo.
Những câu chuyện trong Căn Phòng Máu đều được nhen nhóm từ một niềm tin chắc chắn rằng bản chất con người không phải nhất thành bất biến, và trong mỗi người đều tiềm ẩn khả năng chuyển đổi. Những đoạn xuất sắc nhất trong cuốn truyện này đều là những đoạn miêu tả sự hóa thân. Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Giá BRISE