Loạn 12 Sứ Quân (Trọn Bộ 3 Cuốn - 6 Tập)

Tác giả: Nguyễn Đình Tú | Xem thêm các sản phẩm Lịch Sử Việt Nam của Nguyễn Đình Tú
Loạn 12 sứ quân - Tiểu thuyết lịch sử Tác phẩm gồm 6 tập được chia thành 3 quyển như sau: Tập 1: Mộng bá tranh hùng  & Tập 2: Vọng nguyệt đài Tập 3: Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa & Tập 4...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Loạn 12 Sứ Quân (Trọn Bộ 3 Cuốn - 6 Tập)

Loạn 12 sứ quân - Tiểu thuyết lịch sử
Tác phẩm gồm 6 tập được chia thành 3 quyển như sau:

Tập 1: Mộng bá tranh hùng  & Tập 2: Vọng nguyệt đài

Tập 3: Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa & Tập 4: Khói lửa kinh kỳ

Tập 5: Mưu chước thiền sư & Tập 6: Vạn Thắng Vương

Lời giới thiệu
Theo chính sử: Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), Dương Tam Kha cướp ngôi vua của cháu gọi bằng cậu ruột là Ngô Xương Ngập. Trong triều xảy ra nhiều biến loạn, xung đột, tranh chấp làm cho chính quyền Trung ương suy yếu. Lợi dụng tình trạng đó, các thế lực phong kiến nổi dậy mỗi người hùng cứ một phương tranh chấp đánh phá nhau quyết liệt nhất là từ năm 965 khi chính quyền Trung ương tan rã. Đó là loạn mười hai sứ quân.

Mười hai sứ quân đó là:

Kiều Công Hãn chiếm giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú)

Kiều Thuận chiếm giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê, Vĩnh Phú)

Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây)

Nguyễn Khoan chiếm giữ Tam Đái (Yên Lạc, Vĩnh Phú)

Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Đỗ Đặng Giang (Thanh Oai, Hà Tây)

Lý Khuê chiếm giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Hà Bắc)

Nguyễn Thủ Tiệp chiếm giữ Tiên Du (Tiên Sơn, Hà Bắc)

Lã Đường chiếm giữ Tô Giang (Văn Lâm, Hải Hưng)

Nguyễn Siêu chiếm giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)

Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đăng Châu (Bàn Động, Hải Hưng)

Trần Lãm chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Vũ Tiên, Thái Bình)

Vua Ngô là Ngô Xương Xí cũng rút về chiếm giữ Bình Kiều

(Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Lãnh địa của mỗi sứ quân bằng khoảng một vài huyện ngày nay, các sứ quân xây thành đắp lũy thôn tính lẫn nhau gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân, đi ngược lại nguyện vọng hòa bình thống nhất của dân tộc, nền độc lập vừa mới giành được đứng trước nguy cơ hiểm nghèo. Do đó, yêu cầu sống còn của cả dân tộc là phải giữ vững khối đoàn kết toàn dân, đòi hỏi phải chấm dứt cuộc nổi loạn của mười hai sứ quân, khôi phục quốc gia thống nhất. Người anh hùng dân tộc giương cao ngọn cờ thống nhất quốc gia và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng trước lịch sử là Đinh Bộ Lĩnh.

Đinh Bộ Lĩnh người làng Hoa Lư, là con người thông minh cương nghị có chí lớn, lúc đầu ông liên kết và đứng dưới cờ của sứ quân Trần Lãm. Trần Lãm chết, ông trở thành người cầm đầu một lực lượng vũ trang hùng mạnh, lần lượt đánh bại cái sứ quân khác. Đến năm 967, Loạn mười hai sứ quân được dập tắt, đất nước được thống nhất. Đây là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân.

Tác giả Nguyễn Đình Tư rất tâm huyết và ấp ủ đề tài này từ lâu nên đã bỏ ra nhiều công sức khắc phục nhiều khó khăn để thực hiện hoài bão của mình. Nhưng theo tác giả, đề tài này nằm trong giai đoạn khuyết sử. Chính sử chỉ ghi lại các điểm chính còn chi tiết thì sơ sài.Nhiều câu hỏi đặt ra cho tác giả, tác giả đã vận dụng mọi khả năng có thể có được hầu góp phần giải đáp một số câu hỏi có liên quan đến giai đoạn Loạn mười hai sứ quân.

Loạn mười hai sứ quân xảy ra cách đây hơn một nghìn năm nên việc tái tạo hiện thực bối cảnh lịch sử qua trang viết sao cho chuẩn xác phù hợp, kể cả việc sử dụng ngôn từ là rất khó khăn, do đó không tránh khỏi hạn chế ở mặt này, mặt kia. Nhà xuất bản và tác giả mong đươc sự lượng thứ và góp ý của rộng rãi bạn đọc.

Bộ sách Loạn 12 sứ quân đã được Nxb. Đồng Nai xuất bản từ năm 1990, với 6 tập riêng lẻ. Đến nay sau 30 năm, tác giả Nguyễn Đình Tư đã 99 tuổi, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ tái bản bộ sách này, và tổ chức lại thành 3 tập.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

-------------

Tựa

Người Việt Nam ta bất luận giàu nghèo, trí thức hay bình dân, ai cũng thích đọc truyện Tàu - một loại tiểu thuyết kiếm hiệp lồng vào các khung cảnh và giai đoạn lịch sử. Sở dĩ người ta mê đọc truyện Tàu, vì chưng có hai đặc điểm:

- Các giai đoạn lịch sử, các nhân vật lịch sử trong truyện giúp người đọc có dịp liên hệ với thời đại mình đang sống để rút ra một nhận xét, một phê phán tùy theo ý muốn chủ quan, ít ra cũng thỏa mãn được phần nào sự bất bình của mình hoặc sự tán thành của mình đối với thời cuộc, đối với cá nhân nọ, cá nhân kia.

- Với các môn phái võ thuật, với các đòn đánh đỡ của hiệp sĩ trong các truyện do tác giả tưởng tượng ra hoặc dựa vào thực tế mà phóng đại lên, có khi hoang đường, bí hiểm, đã giúp người đọc theo dõi một cách say sưa mà quên đi những khó khăn, những phiền lụy của cuộc sống hàng ngày.

Trước sự ham thích ấy của độc giả, tôi tự đặt câu hỏi tại sao các nhà văn chúng ta chưa ai nghĩ tới việc viết những bộ truyện tương tự mà đề tài lấy trong các giai đoạn lịch sử của nước nhà, các nhân vật chính là những nhân vật lịch sử có thật ở ta?

Lịch sử nước ta từ ngày lập quốc đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc là những sự tranh chấp nội bộ, huynh đệ tương tàn, có lúc lại là những cuộc đoàn kết đấu tranh quyết liệt chống kẻ thù bên ngoài để đi đến thắng lợi huy hoàng. Các nhân vật lịch sử của ta cũng đủ các hạng người trung thần nghĩa sĩ, thương nước thương dân, hoặc những kẻ xu nịnh, tham quyền cố vị, mại quốc cầu vinh, phản thần tặc tử... chứ đâu phải chỉ nước Tàu mới có.

Nhận thấy điều đó, tuy tài hèn sức mọn, tôi đã có dự định từ lâu sẽ viết một số truyện trường thiên lịch sử tiểu thuyết mà đề tài rút từ các giai đoạn lịch sử nước nhà. Nhưng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi chưa thực hiện được ý định đó, vì còn bận viết bộ sách địa phương chí dưới nhan đề Giang sơn Việt Nam mà đã xuất bản được ba tập: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận.

Công việc biên khảo ấy đang tiến hành dở dang thì thời cuộc thay đổi, tôi không còn có hoàn cảnh và điều kiện tiếp tục được nữa.

Cuộc sống mới với cái tuổi gần sáu mươi mà tôi phải làm một nghề rất tự do là sửa xe đạp. Với nghề mới này, tôi có được nhiều thì giờ rảnh rỗi, chẳng lẽ cứ ngồi chống cằm nhìn thiên hạ qua lại, tôi bèn tranh thủ những lúc không có khách đến sửa xe, đem cái dự định trước kia ra thực hiện.

Vào khoảng giữa năm 1978, tôi dời địa điểm sửa xe đạp từ cổng xe lửa số 7 trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa về trước hẻm nhà ông hàng xóm trong cư xá Kiến Thiết Trương Minh Ký. Thời điểm này, tôi bắt đầu viết bộ truyện Loạn 12 sứ quân.

Tại sao tôi chọn đề tài này trước cho công trình sáng tác của tôi?

Vì giai đoạn 12 sứ quân là giai đoạn khuyết sử. Các bộ chính sử viết từ thời nhà Lý trở đi chỉ ghi chép một cách sơ sài về giai đoạn này với tên 12 vị sứ quân và các địa bàn hoạt động của họ, không có những chi tiết cụ thể nào cả.

Đã là tiểu thuyết dã sử thì tác giả không buộc phải theo sát các sử liệu, mà có quyền tưởng tượng ra các sự kiện, miễn sao các sự kiện ấy phù hợp với giai đoạn lịch sử đương thời.

Với hoạt động của 12 sứ quân tại 12 địa điểm khác nhau, trong một quãng thời gian 28 năm, với các tình tiết phức tạp, tôi hy vọng có thể viết được một bộ truyện thật dài gồm nhiều tập mà các khung cảnh, các nhân vật, các sự kiện không trùng lặp nhau, người đọc không đến nỗi phải chán.

Vả lại, lựa chọn đề tài này, tôi mong muốn giải đáp một số câu hỏi liên quan đến giai đoạn 12 sứ quân, cụ thể là:

1. Các chính sử chỉ ghi lại tên của 12 sứ quân với 12 địa điểm cát cứ nằm rải rác hai bên bờ sông Hồng, mỗi địa điểm là một huyện ngày nay. Giữa các huyện này còn có nhiều huyện khác nằm xen kẽ, và rất nhiều huyện vây quanh. Vậy thời 12 sứ quân vai trò chính trị của các huyện này như thế nào? Chúng bị sáp nhập vào các lãnh địa sứ quân hay vẫn độc lập và phụ thuộc vào triều đình Cổ Loa?

Tôi nghĩ rằng mỗi sứ quân là một lãnh chúa, có quân đội trong tay với tham vọng vương bá, chẳng lẽ lại bằng lòng với một địa bàn hoạt động nhỏ hẹp là một huyện? Lấy người, lấy của đâu để củng cố thế lực, chưa nói đến việc phòng thủ thời bấy giờ không dựa vào các con sông hay dãy núi thiên nhiên làm ranh giới thì không có gì vững chắc cả. Vì vậy khi một lãnh chúa nào đó đứng lên xưng hùng xưng bá tại một huyện, tất phải đánh chiếm các huyện kế cận để bành trướng thế lực. Họ chỉ chịu dừng lại khi đụng phải một con sông lớn, một dãy núi cao

2. Nước ta thời đại 12 sứ quân vào tới vùng Hoan, Ái giáp đèo Ngang. Các sứ quân chỉ hoạt động trên vùng đồng bằng sông Hồng. Vậy hai châu Hoan, Ái là hai châu thuộc về ai? Vẫn phục tùng triều đình Cổ Loa chăng? Chắc là không, vì họ làm sao vượt qua được các lãnh địa sứ quân để lên tới Cổ Loa? Vì sao các vị trấn thủ các châu này lại không tự xưng sứ quân mà làm chúa một phương? Chắc là hai châu này đã đã sớm lọt vào quyền khống chế của Đinh Bộ Lĩnh.

3. Trong lúc 12 sứ quân cát cứ các địa phương, triều đình Cổ Loa dưới quyền của Bình Vương Dương Tam Kha hay các vua Ngô Nam Tấn Vương Xương Văn, Thiên Sách Vương Xương Ngập vẫn tồn tại. Không kể thời Ngô Xương Xí lên kế vị chẳng dám xưng vương mà chỉ xưng là sứ quân, uy quyền của triều đình Cổ Loa đối với các sứ quân như thế nào? Tôi nghĩ rằng giai đoạn này cũng giống như thời Đông Chu Liệt quốc, Bình Vương, rồi Nam Tấn Vương, Thiên Sách Vương không khác gì thiên tử nhà Chu, chỉ còn hư vị mà không có thực quyền, còn các sứ quân thì giống như các chư hầu, tuy bề ngoài vẫn tôn trọng triều đình Cổ Loa mà trên thực tế thì hoàn toàn độc lập trong phạm vi lãnh địa của mình.

4. Đinh Bộ Lĩnh là người có sức khỏe, có chí lớn, tư chất thông minh đĩnh ngộ, từ một kẻ chăn trâu bước lên ngôi hoàng đế, tất phải có bản lãnh khác thường và một bậc tài trí vẹn toàn đứng sau lưng làm quân sư. Bài học thực tế cổ kim Đông Tây cho biết những người được gọi là quân sư hay cố vấn phải là người ho rộng biết nhiều. Thời bấy giờ nước ta chưa mở mang sự học, cho nên thiết nghĩ những người học nhiều phải là những vị tu hành Phật giáo. Do đó tôi nghĩ vị quân sư của Đinh Bộ Lĩnh không ai khác là thiền sư Ngô Chân Lưu. Chính vì thiền sư có công giúp mình, nên sau khi đã dẹp xong 11 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, liền phong thiền sư là quốc sư Khuông Việt, một tước vị cao quý nhất thời bấy giờ.

5. Chúng ta đều biết lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh rất mạnh, bằng chứng là ông đã lần lượt hạ được các sứ quân để thống nhất đất nước và lên ngôi hoàng đế. Việc đánh dẹp này chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, trên dưới một năm. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Đinh Bộ Lĩnh mạnh như thế mà phải chờ đến sau cái chết của Ngô Xương Xí mới cất quân đi đánh các sứ quân? Rõ ràng là thiền sư Ngô Chân Lưu làm quân sư cho chúa Hoa Lư đã tìm cách ngăn cản, tất nhiên là bằng những lý lẽ lọt tai được, khiến Đinh Bộ Lĩnh phải nghe theo, vì thiền sư không muốn nhà Ngô bị tiêu diệt sớm bởi người mà mình theo phò. Rất có thể thiền sư đã biết trước do trí tuệ thần thông hoặc do sự nhận định sắc bén rằng nhà Ngô không thể ở ngôi lâu, cho nên ông mới tìm cách giữ chân chúa Hoa Lư lại bên bờ sông Hoàng Long để chờ tới thời điểm nhất định sẽ đến mới phất cờ gióng trống tiến quân thực hiện sứ mạng thiêng liêng với Tổ quốc.

6. Sau cùng, tuy 12 sứ quân gây nên cuộc tranh chấp nội bộ kéo dài nhiều năm, làm cho dân chúng cực khổ bởi nạn can qua, nhưng các sứ quân đáng được hậu thế kính trọng, vì họ đã thực hiện đúng câu ngạn ngữ của người Việt nam là: “Được thì làm vua, thua làm giặc”, chứ nhất định không làm các việc “cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ” hòng bảo vệ địa vị và duy trì quyền lợi như bọn Kiều Công Tiễn đã làm trước đó, hay bọn Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống về sau. Cũng có thể bấy giờ một vài sứ quân lúc thế cùng lực tận đã nghĩ đến việc cầu viện phương Bắc, nhưng các bề tôi đã hiểu rõ cái nạn ngoại thuộc tai hại như thế nào mà hết lời can ngăn, nên mới không xảy ra điều đáng tiếc, tiết kiệm được xương máu và duy trì được nền độc lập tự chủ cho Tổ quốc.

Ngồi sửa xe đạp tại một xó nhà, suốt ngày quanh quẩn với các loại đồ nghề vá xe, không có một chút thì giờ rảnh rỗi tới thư viện tìm kiếm tài liệu, còn bao nhiêu sách báo tích lũy được từ trước thì đã bán ve chai hết vào đầu năm 1978, tôi chỉ còn cách moi lại trong trí nhớ những gì đọc được, đã xem được, đã nghe được để dùng làm sườn mà dựng nên bộ truyện này. Viết trong hoàn cảnh như thế, lẽ cố nhiên các sự kiện nêu lên trong truyện không đi gần được với lịch sử, mong độc giả thông cảm cho.

Loạn 12 sứ quân là một giai đoạn lịch sử xảy ra cách nay trên một nghìn năm, lại vào thời gian khuyết sử, cho nên khi viết, tôi đã phải cố gắng hết sức để lựa chọn những từ, những chữ thật mộc mạc cho hợp với ngôn ngữ đương thời. Tuy nhiên vẫn không sao tránh khỏi đôi lúc vô tình tôi đã để ngòi bút viết theo ý tưởng và cách diễn tả quá mới, vì không tìm được một lối diễn tả nào thích hợp hơn. Khi đọc tới một dòng, một đoạn nào như thế, mong độc giả hiểu giùm cho nỗi khó khăn của tác giả.

Với thiện chí góp một viên gạch vào tòa nhà văn hóa dân tộc, tôi ước vọng bộ truyện này sẽ thay thế được chỗ đứng của một pho truyện Tàu trên kệ sách của mọi gia đình.

Sài Gòn ngày 15-2-1984
Nguyễn Đình Tư

----------------------
Về tác giả: NNC Nguyễn Đình Tư
Sinh năm 1922
Quê quán: xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Từng là cộng tác viên của Báo Độc Lập.
Từng làm việc tại Ty điền địa ở Phú Yên, tham gia viết bài về Phú Yên cho các  tạp chí Bách Khoa, Phổ Thông.
Năm 1969 làm việc tại Nha Điền địa (Bộ Canh nông) đến ngày miền Nam được giải phóng.
Năm 1996 là Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia gia biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hố Chí Minh, từ điển địa danh và địa chí các tỉnh.

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá GLAZE

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ
SKU2010817740943
Liên kết: Bộ sữa tắm và dưỡng thể hương nước hoa Perfume Seed Velvet Special Body Care Set (4 sản phẩm)

Các sản phẩm vừa xem