Khả thể của một đức học Nho giáo trong sách Tứ thư - Phạm Văn Chung - (bìa mềm)

Tác giả: Phạm Văn Chung | Xem thêm các sản phẩm Triết Học của Phạm Văn Chung
LỜI NÓI ĐẦUNghiên cứu tư tưởng Nho giáo nói chung, tư tưởng về đức của nó nói riêng đã trở thành mối quan tâm sâu sắc của tôi từ hơn 10 năm nay, nhất là khi các vấn đề đạo đức học được đặt ra đối với...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Khả thể của một đức học Nho giáo trong sách Tứ thư - Phạm Văn Chung - (bìa mềm)

LỜI NÓI ĐẦU

Nghiên cứu tư tưởng Nho giáo nói chung, tư tưởng về đức của nó nói riêng đã trở thành mối quan tâm sâu sắc của tôi từ hơn 10 năm nay, nhất là khi các vấn đề đạo đức học được đặt ra đối với tôi như một hướng nghiên cứu mới và quan trọng. Lâu nay, tôi đặt ra nhiệm vụ cho mình là thực hiện một chuyên khảo về Nho giáo với nội dung toàn diện, trong đó tập trung vào hai nội dung là tư tưởng Nho giáo cơ bản và quan niệm của nó về đức. Nhưng hiện giờ, nhận thấy nghiên cứu xây dựng một quan niệm mới về đức hoặc đạo đức là việc cấp thiết hơn, nên tôi đã tách riêng ra, tập trung trước hết vào nghiên cứu nhằm hoàn thành phần quan niệm Nho giáo về đức, còn phần tư tưởng Nho giáo cơ bản có thể sẽ thực hiện một chuyên khảo riêng sau này. 

Như nhiều nhà nghiên cứu đã thấy, cùng với những nội dung quan trọng như tư tưởng triết học, chính trị, giáo dục và những tư tưởng xã hội khác, quan niệm Nho giáo về đức là một trong những nội dung quan trọng đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, xã hội phương Đông nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam, cả về mặt tích cực, giá trị và về mặt tiêu cực, hạn chế của nó. Tuy vậy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, việc hiểu bản chất, nội dung, những đặc điểm, giá trị và cả những hạn chế của quan niệm này vẫn luôn được đặt ra và đòi hỏi phải có những kiến giải, nhận thức mới đối với các nghiên cứu khác nhau nhằm đáp ứng các yêu cầu nhận thức, tinh thần và hiện thực-thực tiễn, nhất là trong giáo dục và tổ chức đời sống xã hội nói chung. Trong bối cảnh toàn cầu hóa-hội nhập ngày nay, các yêu cầu này càng trở nên lớn lao và cấp thiết hơn, nhất là việc phải hiểu quan niệm Nho giáo về đức một cách sâu sắc, chính xác hơn với các tiếp cận, phương pháp nghiên cứu mới, hướng đến những mục tiêu mới, đặc biệt là nhằm xây dựng một quan niệm triết học mới về đức hoặc đạo đức. 

Sự thực là tôi đã có những điều kiện và động lực lớn, quan trọng trong nghiên cứu Nho giáo, một đối tượng tưởng chừng như đã rất cũ và không còn khả năng cho một hướng đi nào mới hơn. Nhưng thực tế không phải như thế. Khi tôi thực hiện nghiên cứu đối tượng rất xưa cũ này thì người thầy vĩ đại là cuộc sống-thời đại luôn ở bên cạnh tôi, yêu cầu, hướng dẫn tôi theo những tìm tòi, khám phá mới, hay ít ra là với những luận giải sâu hơn, chính xác hơn những điều vốn đã được quan tâm xưa nay. Bạn đọc sẽ thấy ở đây không chỉ những vấn đề mới được đặt ra, mà còn thấy được cả một hệ thống quan niệm về đức của Nho giáo được tạo dựng lên với nội dung phong phú, nhiều mặt, cả về từng nội dung, yếu tố riêng biệt cũng như toàn thể theo các tiếp cận và phương pháp mới, được thể hiện trong toàn bộ nội dung cuốn sách với bảy chương thuộc nội dung chính này. Bạn đọc sẽ thấy được những luận giải sâu hơn, toàn diện hơn về những đức cụ thể cơ bản của quân tử như thành, hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng, tín…, mối liên hệ giữa chúng, về nội dung của đạo đức như lương tâm, nghĩa vụ, hạnh phúc, lẽ sống và mối liên hệ giữa đức và đạo đức theo quan niệm Nho giáo khi đặt nó trong một cấu trúc nhận thức, lý thuyết mới. Không những thế, bạn đọc còn thấy được cả những nhận xét, đánh giá rất đáng lưu ý, có căn cứ về nội dung quan niệm Nho giáo về đức, những giá trị và hạn chế của nó, cả những bài học về hiểu và vận dụng tư tưởng Nho giáo, cả việc cho thấy các điều kiện, khả năng phát triển nó. 

Hẳn rằng bạn đọc cũng muốn hỏi xem điều thú vị hay đáng lưu tâm nhất của tôi khi nghiên cứu tư tưởng Nho giáo về đức là gì? Tôi nhận thấy có nhiều điều thú vị và đáng lưu ý khi nghiên cứu quan niệm Nho giáo về đức, vì chúng chính là một trong những lý do khiến tôi đã bỏ công hàng chục năm trời để nghiên cứu. Nhưng ở đây chỉ xin nêu một vài điểm có thể xem là quan trọng nhất. Thứ nhất, tôi rất ấn tượng với một điểm đặc sắc của tư tưởng Nho giáo về giáo dục. Sách Trung Dung trong Tứ Thư viết: “Mệnh trời ban cho gọi là tính, noi theo tính gọi là đạo, tu đạo gọi là giáo” (“Thiên mệnh chi vị tính, xuất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo”). Nếu gạt sang một bên những điểm hạn chế và những trừu tượng như về “mệnh trời”, về “tính”, sẽ thấy tư tưởng Nho giáo đặc sắc về bản chất của giáo dục được thể hiện ra, đó là quan niệm về tu đạo (“tu đạo gọi là giáo”). Quả thực, với việc hiểu được nội dung, nghĩa và ý nghĩa lớn lao của chữ “đạo” theo Nho giáo và theo truyền thống tư tưởng phương Đông và so sánh, đối chiếu nó với truyền thống phương Tây, sẽ thấy đây là tư tưởng rất lớn lao, sâu sắc về bản chất của giáo dục. Điều này tôi đã thể hiện rất rõ trong nội dung sách, nhất là ở chương nói về tu dưỡng đức. Thứ hai, cũng thuộc nội dung này, tôi hiểu được cái chiều sâu và ý nghĩa lớn lao của tư tưởng Nho giáo về con đường tu dưỡng, cụ thể là tu dưỡng đức. Sách Đại Học trong Tứ Thư viết: “Đời xưa, người nào muốn làm sáng đức sáng của mình trong thiên hạ, thì trước hết phải trị nước của mình. Muốn trị nước, trước phải tề gia. Muốn tề gia, trước phải tu thân. Muốn tu thân, trước phải chính tâm. Muốn chính tâm, trước phải khiến cho ý nghĩ thành thực. Muốn ý nghĩ thành thực, trước phải hiểu thấu đáo. Hiểu thấu đáo ở chỗ nghiên cứu sự vật cho rõ ràng” (“Cổ chi dục minh đức, ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý giải, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật”). Nếu đặt sang một bên những hạn chế, ở đây ta sẽ thấy nguyên lý hay nguyên tắc căn bản của việc tu đức trước hết là phải hiểu thấu đáo sự vật. Nói theo ngôn ngữ của chúng ta, hiểu thấu đáo là hiểu khách quan, hiểu bản chất, quy luật của đối tượng, của mọi tồn tại và của tồn tại nói chung, nói cách khác, muốn tu đức nhất định phải có những tri thức nền tảng là triết học, trước hết là siêu hình học. Đây chính là điều đưa ta đến sự thành thực (“thành ý”), tức là có được đức thành (sự trung thực) và trên cái nền đức thành ấy mà có những đức khác, có thể đạt đến minh đức (đức sáng, đức lớn). Thứ ba, tất nhiên điều tôi quan tâm đặc biệt, đó là quan niệm Nho giáo về đức thể hiện khả thể của một đức học hay có thể gọi là khả thể của một triết học Nho giáo về đức. Điều này đã được thể hiện một cách nổi bật, bao quát toàn bộ nội dung sách này. Đây thực sự là điều hứng thú, hấp dẫn nhất đối với tôi. Chính ở đây, tư tưởng Nho giáo về đức đã gợi mở việc có thể tạo dựng một đức học hay một triết học mới về đức (hay triết học về đức hạnh). 

Tiếp theo cần nói rằng, việc nghiên cứu tư tưởng Nho giáo từ ngọn nguồn kinh điển của nó là điều rất quan trọng. Vì thế, tôi đã lựa chọn nghiên cứu tư tưởng Nho giáo nói chung, quan niệm của nó về đức nói riêng trong bộ Tứ Thư. Xin được nói về lý do tôi chọn cuốn Tứ Thư tập chú do tác giả Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải làm tài liệu nghiên cứu chính. Sở dĩ tôi chọn tài liệu này là vì đây là một trong những cuốn Tứ Thư mà tôi có may mắn được đọc và đọc khá kỹ từ trước so với những cuốn Tứ Thư khác, đồng thời là cuốn sách theo tôi, dễ đọc và dễ theo dõi hơn cả. Mặt khác, khi đọc tài liệu do học giả Nguyễn Đức Lân biên soạn, tôi thường có sự đối chiếu, so sánh với những nội dung nhất định trong các sách Tứ Thư được các tác giả khác biên soạn (trong tủ sách của tôi có đến 6 cuốn sách Tứ Thư) và thấy (theo tôi) không có bản nào tốt hơn, hay hơn so với bản của Nguyễn Đức Lân. Tuy nhiên, tôi cũng đồng thời tham khảo các bản dịch, biên soạn và những nghiên cứu của các tác giả khác, nhiều khi trong cuốn sách của mình tôi trích, dẫn ra những đoạn có cả lời phiên âm và dịch nghĩa và lời, từ Hán Việt kèm theo từ các cuốn Tứ Thư do các tác giả khác biên soạn như của Đoàn Trung Còn, Trần Trọng Sâm và Kiều Bách Vũ Thuận, Lý Minh Tuấn hay của Viện Hán Nôm để đối chiếu, so sánh. Với cách làm như vậy, tôi nghĩ nội dung và cách hiểu biết của tôi không chỉ được mở rộng, đào sâu mà còn có thể đáng tin cậy hơn. 

Tất nhiên, sách Tứ Thư do học giả Nguyễn Đức Lân biên soạn cũng như của nhiều học giả khác, là tài liệu dịch (thường là dịch và chú giải, bình giải). Vì thế, trong quá trình nghiên cứu tôi thường không thật yên tâm về cái vốn tiếng Hán cổ là số “không” của mình. Cho nên, để xây dựng lòng tin vào công việc nghiên cứu, tôi thấy cần phải tìm cách giải quyết vướng mắc rất đáng nói này. Có người nói rằng, nghiên cứu Nho giáo hay lịch sử tư tưởng Trung Quốc cổ đại nói chung mà không biết tiếng Hán (tiếng Hán cổ) thì là rất “liều”! Quả vậy, nếu đó chỉ là chuyện “biết” hoặc “không biết” tiếng Hán cổ! Tất nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc biết tiếng Hán cổ và tiếng Trung Quốc hiện đại trong nghiên cứu di sản văn hóa Trung Quốc cổ đại nói chung. Phải thừa nhận rằng khi làm sách này, tôi cũng nhận thấy việc không biết tiếng Trung Quốc và tiếng Hán cổ là một bất lợi, hơn thế là một khiếm khuyết, hạn chế đáng kể. Tôi lấy thí dụ đơn giản là, trong các câu chữ Hán của Tứ Thư thường không có dấu sau các “từ” hoặc các “câu”, nhưng khi dịch sang Hán Việt thì thường có dấu rõ ràng, cụ thể như trong một câu của Khổng Tử về điều nhân ở Chương 12 của Luận Ngữ, khi phiên âm và dịch nghĩa thì các cuốn Tứ Thư đều đặt dấu phẩy sau các từ “khắc kỷ, phục lễ, vi nhân”. Đây là một trong những điều khiến tôi thấy khá lúng túng khi giải nghĩa những lời của Khổng Tử. Mặc dù vậy, tôi nghĩ chẳng lẽ người ta, nếu như không biết một ngoại ngữ nào đó thì không được phép nói về những tác phẩm được dịch ra tiếng Việt từ ngôn ngữ đó hay sao? Cho nên, nếu nhìn rộng ra sẽ thấy, người nói câu trên một cách vô tình hoặc chủ quan, đã phủ nhận hoàn toàn công việc dịch thuật của những người, có thể gồm cả những dịch giả, học giả đã và đang làm công việc dịch các văn bản, tài liệu từ tiếng Hán sang tiếng Hán Việt và tiếng Việt. Thử hỏi, công việc dịch thuật của họ có ý nghĩa gì, nếu không phải hàm chứa trong đó một mục tiêu rất hữu ích và cũng rất hay là giúp cho nhiều người Việt Nam khác - những người không có hoặc không biết tiếng Hán nói chung - có tiền đề, điều kiện thuận lợi để có thể nghiên cứu nhằm hiểu, nắm được lịch sử tư tưởng Trung Quốc cổ đại trong đó có tư tưởng Nho giáo? Thiết nghĩ, những người làm công việc dịch thuật đầy tâm huyết, rất có trách nhiệm và hiệu quả ấy có đủ sự khiêm nhường để tin tưởng rằng, những người được coi là không biết tiếng Hán có thể dựa trên các kết quả của mình mà đem lại những luận giải đúng hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về tư tưởng Trung Quốc cổ đại, thậm chí là sâu hơn, chính xác hơn những người đi trước trong đó có họ. Đây không phải là ngụy biện. Tôi tự thấy mình có thuận lợi lớn là vào thời điểm tiến hành nghiên cứu bộ sách Tứ Thư nổi tiếng này, tôi đã có trong tay nhiều bản dịch và chú giải của các tác giả khác nhau để tham khảo, đối chiếu và bằng sự tâm huyết, nghiêm túc, tôi vẫn luận bàn về Tứ Thư dựa trên những yêu cầu, điều kiện mới của thời đại, theo tiếp cận và phương pháp mới của mình với niềm tin là sẽ đem lại những kết quả tích cực, đáng tin cậy. Vì vậy, lời nói ở trên không làm tôi thấy khó chịu, bực bội, mà lại làm tôi thấy “đau nhói”, nó nhắc nhở tôi thận trọng và càng cần trân trọng hơn những công trình dịch thuật rất cẩn trọng, công phu của tiền nhân. 

Một số điểm cần lưu ý khác: 1) Trước hết, nếu theo sách Tứ Thư do Nguyễn Đức Lân biên soạn thì phải viết đầy đủ là “Tứ Thư tập chú”, nhưng theo những cuốn sách khác và để nói gọn hơn, tôi viết là “Tứ Thư” hoặc Tứ Thư; 2) Trong nhiều sách viết về Nho giáo kể cả Tứ Thư tập chú do Nguyễn Đức Lân biên soạn, người viết, người dịch hay dùng từ “người quân tử”, nhưng tôi viết là “quân tử”; 3) Trong Tứ Thư tập chú ở phần phiên âm Hán Việt thường có từ là “Tử viết:”, Nguyễn Đức Lân thường dịch là “Khổng Tử nói rằng:”, theo tôi như thế hợp với văn cảnh hơn bởi vì viết là do học trò hoặc người đời viết lại những lời của Khổng Tử, chứ không phải chính Khổng Tử “viết”; (4) Có nhiều đoạn trích dẫn quan trọng tôi trích cả phần phiên âm Hán Việt để dễ theo dõi và đối chiếu.

Cuối cùng, tôi muốn được chia sẻ về một lý do đặc biệt, có tính chất cá nhân, không thể không nói, đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách này, đó là để trả món nợ “danh dự” đối với Nho giáo, Khổng Tử, các môn đệ của ông và những bậc chân Nho. Tôi biết rõ một điều là dù muốn hay không, tôi đã sinh ra và lớn lên trong nền giáo dục Nho giáo, hay đúng hơn, trong một nền giáo dục mà yếu tố Nho giáo rất đậm nét và tôi được thụ hưởng từ trong gia đình, họ hàng, thôn quê, nhà trưởng, rộng hơn nữa là đất nước, xã hội. Rất nhiều đức tính tốt của con người như sự trung thực, tình yêu thương, lòng dũng cảm, sự khiêm nhường, tiết kiệm, lòng biết ơn, sự kính trọng đã từ các hình thức lý thuyết Nho giáo theo những con đường khác nhau, những cách khác nhau đi vào trong tôi. Đặc biệt, tôi đã học và thực hành chữ hiếu của Nho giáo không trực tiếp từ giáo lý Nho giáo mà qua tuyệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Chính từ trải nghiệm với cả niềm vui của sự thành công và những nỗi đau của những thiếu sót, sai lầm của mình trong cuộc đời mà tôi tin chắc rằng chính là “đức”, chứ không phải “đạo đức”, là cái mà tôi đã hấp thụ được, đã tác động, ảnh hưởng quyết định trực tiếp đến sự hình thành tình cảm, nhận thức của tôi, còn đạo đức là cái mà mãi sau này tôi mới biết đến một cách rõ hơn, nhất là từ khi học tập và nghiên cứu môn đạo đức học ở trường đại học. Vì thế, tôi đã sớm chiêm nghiệm được rằng, đức chính là cái tinh chất trong tinh thần, tư tưởng Nho giáo nói chung khi nó hiện diện, thẩm thấu trong văn hóa Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng những ai vẫn một mực phủ nhận hoàn toàn hay về cơ bản những giá trị Nho giáo, thì họ hoặc là những người rất cố chấp, định kiến và rất thiếu trí tuệ, hoặc là có thể không có chút nào đáng kể về vốn văn hóa truyền thống trong chiều sâu nhân cách, tâm hồn mình. Chính vì thế, tôi viết cuốn sách này còn dựa trên những cảm xúc, sự trân trọng, tự hào vì sự trải nghiệm của chính mình và sự chứng kiến, hình dung những con người đã và sẽ hành động vì cái tâm-đức của mình cho niềm hạnh phúc của mình và cũng là cho người khác, cho giống nòi, cộng đồng và cả nhân loại.

Hoàn thành chuyên khảo này trước hết tôi xin được bày tỏ lòng kính cảm ơn chân thành đến dịch giả Nguyễn Đức Lân. Nếu có vấn đề gì không phải hoặc không nên có về ngôn ngữ và ý tứ liên quan đến nội dung cuốn sách thì xin được dịch giả và người đọc lượng thứ. Người viết sách này chỉ với một tấm lòng làm sao góp phần đem lại cho người đọc những kiến thức bổ ích hơn nữa trong học tập và nghiên cứu mà thôi. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các tác giả, dịch giả, học giả về Tứ Thư và Nho giáo ở Việt Nam đã cho phép tôi “đứng trên vai” các vị để hoàn thành công việc khó khăn này. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả những ai quan tâm, nhất là bạn trẻ về vấn đề không chỉ có tính học thuật mà còn mang tính chính trị, xã hội, văn hóa rất cao này, chúc các bạn có được những điều bổ ích khi tìm hiểu sách này. Cuối cùng xin cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức cùng các biên tập viên, nhân viên và cảm ơn mọi người đã ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để tác giả hoàn thành tác phẩm rất có ý nghĩa này trong hành trình nghiên cứu của mình. 

***

Khả thể của một đức học Nho giáo trong sách Tứ thư - (bìa mềm) - Giá bìa: 205.000đ

Tác giả: Phạm Văn Chung

Nhà xuất bản: NXB TRI THỨC

***

Hình thức: bìa mềm

Số trang: 456

Khổ: 13x20.5

Trọng lượng: 450gram

Năm phát hành: 2022

***

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá POPO

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Tri Thức
Ngày xuất bản2022-10-01 00:00:00
Loại bìaBìa mềm
Số trang456
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Tri Thức
SKU9995832992776
Liên kết: Má hồng dạng nước Moisture Cushion Blush 03 Coral fmgt (màu Hồng Cam)